Hiện nay, hạn hán và xâm nhập mặn đã bắt đầu đe dọa đến một số vùng sản xuất ở ĐBSCL. Trước đây, vùng đất ở xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh chỉ sản xuất được một vụ lúa, còn rau màu cũng hết sức bấp bênh. Do sản xuất lệ thuộc nước mưa, năm nào mùa mưa kết thúc sớm, nước mặn tràn lên, nông dân xem như bị mất trắng. Kể từ khi chuyển sang chuyên trồng rau với hệ thống tưới phun tiết kiệm nước và nhà lưới, bà con nơi đây không còn quá lo lắng về chuyện hạn mặn.
Tại cánh đồng lúa tại xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, nơi đây một năm chỉ trồng được hai vụ lúa. Vào mùa khô, đất gần như bị bỏ không. Để không bỏ phí đất, gần đây bà con xen canh hai vụ lúa một vụ màu với các loại cây chịu được hạn mặn cao.
Tỉnh Trà Vinh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn. Để ứng phó, trong thời gian qua, tỉnh đã chuyển đổi được khoảng 16.500ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi khác thích ứng với hạn mặn. Qua khảo sát, đánh giá, hiệu quả các mô hình chuyển đổi tăng từ 1,5 - 4 lần so với chuyên trồng lúa như trước đây.
Không riêng tỉnh Trà Vinh, nhiều địa phương khác ở ĐBSCL đã chuyển đổi hàng chục ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng cây, con khác đạt hiệu quả cao hơn. Việc làm này không chỉ giúp tăng lợi nhuận mà còn là để thích nghi với hạn mặn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!