Đây là nhận định của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi trên cần phải có lộ trình cũng như những định hướng. Và điều quan trọng là dù chuyển sang cây trồng, vật nuôi gì cũng không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất.
GS. TS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng, vấn đề của ĐBSCL vẫn là trồng quá nhiều lúa. Trong hơn 40 năm qua, lúa gạo đã làm nên nhiều kỳ tích, nhưng nghịch lý là nông dân vẫn nghèo. Do đó, đã đến lúc cần phải tính lại khâu đầu tư, cụ thể là chuyển bớt kinh phí làm thủy lợi sang làm hạ tầng khác, các mô hình hiệu quả và khuyến khích nông dân làm theo với sự vào cuộc của doanh nghiệp. Không chỉ định hướng về cây trồng, vật nuôi, doanh nghiệp sẽ là nơi hỗ trợ nông dân thay đổi quy trình canh tác theo đúng yêu cầu của thị trường.
Theo dự kiến, diện tích trồng lúa của ĐBSCL sẽ giảm từ 1,9 triệu ha xuống còn 1,6 triệu ha, tăng luân canh, xen canh, chuyển sang lúa chất lượng cao, đặc sản. Về thủy sản, đến năm 2030, tổng diện tích nuôi trồng tăng thêm 300.000ha, đạt hơn 1,3 triệu ha. Về trái cây, ĐBSCL sẽ tăng cường kết nối nông dân và doanh nghiệp, đưa sản phẩm thẳng vào siêu thị, hệ thống bán lẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!