Đại tướng Lê Đức Anh - Vị tướng sinh ra để đánh giặc

Nguyễn Hằng, Hoàng Vũ, Thanh BìnhCập nhật 15:45 ngày 02/05/2019

VTV.vn - Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là một tượng đài với khả năng quân sự thiên phú của lịch sử quân sự Việt Nam.

"Một con người hy sinh cả cuộc đời mình, ông sinh ra là để đánh giặc, mà đánh giặc thì rất sáng suốt". Đó là điều đầu tiên trung tướng Lê Nam Phong chia sẻ khi nghe tin đại tướng Lê Đức Anh - người thầy, người anh gắn bó cùng ông suốt chặng đường dài binh nghiệp - qua đời ở tuổi 99.

Đại tướng Lê Đức Anh tham gia Cách mạng từ năm 17 tuổi. Năm 22 tuổi, ông vào Lộc Ninh xây dựng phong trào. Trong Cách mạng tháng Tám, đại tướng Lê Đức Anh trở thành chính trị viên chi đội vệ quốc đoàn đầu tiên ở Nam Bộ, sau đó chính thức gia nhập quân đội, làm tham mưu trưởng khu 8, khu Sài Gòn Chợ Lớn và Khu 7 bởi tài kiến tạo, tổ chức và thực hiện các kế hoạch. Tiêu biểu nhất là giai đoạn cách mạng chuyển từ phòng ngự sang cầm cự những năm 1948 - 1949, ông táo bạo đề xuất không xây dựng đơn vị chủ lực quy mô lớn để phù hợp với thế chiến trường sau lưng địch của Nam bộ.

Từ chiến tranh du kích, sự hình thành của lực lượng đặc công thời chống Pháp cho đến việc xây dựng hệ thống chiến tranh nhân dân rộng khắp, giữ vững thế liên tục tiến công thời chống Mỹ dù trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, tất cả đều nhờ sự mẫn cảm đặc biệt của một cán bộ chỉ huy. Dấu ấn của đại tướng Lê Đức Anh với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cũng hết sức quan trọng với chiến thắng Phước Long tháng 1/1975.

Cánh quân Tây Nam, 1 trong 5 cánh quân của chiến dịch Hồ Chí Minh, là hướng có nhiệm vụ khó khăn nhất nhưng cũng quan trọng nhất được giao cho tư lệnh Lê Đức Anh. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ, ông còn giúp cho Quân đoàn 4 có chiến thắng Long Khánh vẻ vang.

Trung tướng Lê Nam Phong - nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4, nguyên phó Tham mưu trưởng Mặt trận 719 hồi tưởng: "Tôi đề xuất với ông ấy là đánh Long Khánh không cần đánh công kiên, công sự kiên cố nhưng ông bảo không được, phải tiêu diệt địch tại chỗ. Thế nào ta cũng thắng to nhưng mà cách đánh là phải thẳng tiến".

Tại Chiến tranh biên giới Tây Nam, tư lệnh mặt trận 719 Lê Đức Anh tiếp tục để lại dấu ấn với một điều trước nay chưa từng có. Không chỉ giúp Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pol Pot, ông còn là kiến trúc sư cho 10 năm nghĩa vụ quốc tế giúp đỡ nước bạn, một điều chưa từng có tiền lệ.

Gần nửa thế kỷ trong quân ngũ, một đời binh nghiệp luôn có mặt tại những điểm nóng nhất, nói ít, làm nhiều, đại tướng Lê Đức Anh thật sự đã để lại cho lịch sử quân sự, lịch sử đấu tranh giữ nước những dấu ấn đậm nét. Ông đúng là vị tướng sinh ra để đánh giặc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.