Để ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn, không ít nông dân ở ĐBSCL đã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng cây, con khác đạt hiệu quả cao hơn. Chỉ cần đặt những chiếc ống trong ruộng để theo dõi mực nước, bà con nông dân sẽ tiết kiệm được khoảng 40% lượng nước trồng lúa. Phương pháp canh tác này có tên là tưới ngập khô xen kẽ. Cây lúa không phải lúc nào cũng cần ngập nước. Tùy vào từng giai đoạn, khi sẽ để khô, lúc cần chỉ bơm nước vào ruộng cao tối đa khoảng 5cm. Theo ước tính, nếu toàn bộ diện tích trồng lúa áp dụng tưới kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ, ĐBSCL sẽ tiết kiệm trên 16 tỷ m3 nước mỗi năm.
Tỉnh Trà Vinh là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng bởi hạn mặn nghiêm trọng nhất ở ĐBSCL. Trong vài năm trở lại đây, ngoài áp dụng các biện pháp canh tác như: ngập khô xen kẽ, mô hình tôm - lúa, nhiều nông dân ở đây đã mạnh dạn gieo sạ các giống lúa mới có khả năng chịu được hạn mặn cao.
Trước đây, ĐBSCL từng tìm cách ngăn lũ để trồng lúa, nhưng việc sống chung với lũ vẫn mang đến nhiều nguồn lợi khác. Giờ đây, khi hạn hán và xâm nhập mặn đe dọa vùng châu thổ này, trồng lúa sống chung với hạn mặn có thể sẽ là hướng đi đáng cân nhắc cho nông dân miền Tây.
Để thích nghi được với hạn hán và xâm nhập mặn, ngoài các giải pháp về cây trồng, vật nuôi, công tác dự báo cũng được xem là khâu rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay việc dự báo hạn mặn sớm để bà con nông dân kịp thời ứng phó vẫn còn một số bất cập.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!