Tuy nhiên, đây chỉ là cái cớ để giới đầu cơ lợi dụng đẩy giá đất ảo để kiếm lợi bất chính, vì thực tế, bảng giá đất mới ở nhiều địa phương không tăng hoặc tăng rất thấp so với mức giá đất đang bị thổi lên cao trên thị trường hiện nay. Dọc các tuyến đường tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM, dễ dàng bắt gặp các bảng rao bán, giao dịch đất đai mọc lên san sát. Chỉ trong các tháng đầu năm nay, giá đất tại đây đã tăng 30% so với năm 2020. Và tăng gấp 40 lần so với bảng giá đất mới. Tuy nhiên, đại diện UBND huyện Cần Giờ cho biết, bảng giá đất mới giai đoạn 2020 - 2024 của địa phương này không tăng so với bảng giá trước đó.
Hiện nay, bảng giá đất của các tỉnh, thành phố trong cả nước chỉ bằng khoảng 30% so với giá thị trường. Như vậy, nếu theo hệ số điều chỉnh bảng giá đất mới là tăng bình quân 20% so với giai đoạn 5 năm trước, thì giá đất vẫn còn thấp hơn nhiều so với thị trường. Theo các chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh bảng giá đất chủ yếu liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục nhà đất,...chứ không phải là nguyên nhân khiến giá đất thị trường tăng. Để quản lý tình trạng thổi giá gây sốt đất, ngoài vai trò cung cấp thông tin minh bạch của cơ quan chức năng, thì công cụ căn cơ nhất là cần có chính sách thuế đủ mạnh đối với các giao dịch ngắn hạn.
Bên cạnh, để giảm tình trạng thổi giá bất động sản, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần có chính sách khuyến khích phát triển các tổ chức tài chính chuyên nghiệp, hạn chế các nhà đầu tư nhỏ lẻ phần lớn theo xu hướng đám đông, là một trong những nguyên nhân tiếp tay cho giới đầu cơ. Bởi một khi vẫn còn tình trạng đầu cơ thì thị trường bất động sản không thể trở về giá trị thực được. Và mong muốn sở hữu nhà ở thực sự của nhiều người dân vẫn còn là khái niệm xa vời./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!