Gìn giữ nghệ thuật cải lương từ những cuộc thi lớn

Nhật Phương (VTV9)Cập nhật 06:29 ngày 07/03/2020

VTV.vn - Những cuộc thi quy mô lớn chính là một trong những cây cầu đưa nghệ thuật truyền thống, trong đó có cải lương, đến với công chúng.

Ngày nay, sự phát triển không ngừng của xã hội, công nghệ khiến những bộ môn nghệ thuật đương đại đang tạm thời chiếm ưu thế so với những bộ môn nghệ thuật truyền thống. Các bộ môn nghệ thuật như: tuồng, chèo, cải lương đang phải nỗ lực tìm lại vị trí trong lòng khán giả. 

Bông lúa vàng một trong những cuộc thi lớn nhất hiện nay dành cho những người đam mê bộ môn nghệ thuật cải lương. Là một cuộc thi có lịch sử hơn 20 năm, Bông lúa vàng đã trở thành sân chơi chuyên nghiệp, được đầu tư và có nhiều cải tiến sau mỗi năm tổ chức. Cuộc thi Bông lúa vàng của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH) là cuộc thi tìm kiếm tài năng cải lương được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1993. Để tạo được chỗ đứng riêng và cạnh tranh với các giải thưởng khác, giải thưởng Bông lúa vàng đã không ngừng đổi mới qua từng năm ở tất cả các khâu.

Từ việc chỉ thực hiện trên sóng phát thanh, qua các năm, Ban tổ chức từng bước đổi mới để đồng thời trực tiếp truyền hình và livestream, qua đó cuộc thi tiếp cận với nhiều khán thính giả hơn. Từ một sân khấu nhỏ, đơn sơ, hiện nay cuộc thi đã bước lên một sân khấu hiện đại. Nếu như trước đây vòng sơ tuyển chỉ tập trung vào một khu vực, nay cuộc thi đã trực tiếp đi tuyển sinh ở nhiều tỉnh thành cũng như lựa chọn những nghệ sỹ gạo cội và danh tiếng để ngồi vào "ghế nóng" Ban giám khảo như: NSƯT Huỳnh Khải, NSND Bạch Tuyết, NSND Minh Vương… Đây là cả một quá trình thay đổi để thích nghi với nhịp sống hôm nay.

Ngoài mục tiêu lan tỏa ý nghĩa và tình yêu với cải lương, cuộc thi còn được xem là bàn đạp dành cho những thí sinh tài năng. Trong suốt hơn 26 năm qua, vào mỗi chiều thứ Bảy hàng tuần, khán đài sân khấu VOH luôn chật kín khán giả, đó chính là thành quả lớn nhất mà cuộc thi đã gặt hái sau nhiều năm tổ chức.

Từ năm 2018 đến nay, cuộc thi đã gặt hái được nhiều thành công khi thu hút một số lượng lớn thí sinh trên cả nước tham gia. Bên cạnh đó, khâu tổ chức được chuẩn bị chuyên nghiệp, kỹ lưỡng. Năm nay, vòng sơ khảo, còn gọi là vòng gieo hạt, đã chính thức được khởi động trên toàn quốc với mong muốn tìm kiếm những thí sính xuất sắc nhất.

Trong những năm qua, các cuộc thi tìm kiếm tài năng cải lương trên sóng truyền hình, phát thanh được khán giả quan tâm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, được một số đài truyền hình, phát thanh đầu tư, duy trì thực hiện. Muốn bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống cải lương, có lẽ cần nhiều hơn nữa những cuộc thi như vậy.


Suất diễn 'cháy vé' minh chứng sức hút của các đoàn cải lương xã hội hóa Suất diễn "cháy vé" minh chứng sức hút của các đoàn cải lương xã hội hóa

VTV.vn - Vở tuồng cổ "Tình người kiếp rắn" vừa được đoàn cải lương xã hội hóa Vũ Luân tái diễn thành công tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.