Khác với lẽ thường, một ngày lao động của ông Xứng bắt đầu từ 4 giờ chiều kéo dài đến nửa đêm. Suốt 5 năm qua, kể từ ngày rời miền Trung nắng gió vào Nam lập nghiệp, người đàn ông khiếm khuyết và chiếc xe cũ kỹ này là chấm nhỏ quen thuộc giữa lòng phố thị đất Tây Đô. Người ta quen gọi đây là chiếc xe hàng rong, nhưng với ông, đó là cả gia tài, là gánh mưu sinh xứ lạ khi tuổi đã ngoài thất thập. Trên xe chỉ có 2 món đậu phộng rang và bánh tráng chuối, mỗi cái bánh nướng chỉ 5.000 đồng, lợi nhuận sẽ được chia đôi ông một nửa, chủ lò bánh một nửa.
Ông kể ra hoàn cảnh để người ta biết tuổi già lặn lội mưu sinh là có lý do, là vì tình nghĩa vợ chồng, chứ ông không mong khách đến mua hàng chỉ vì tấm lòng thương cảm. Chiếc xe tạm bợ hay đôi chân chắp vá có thể sẽ làm cuộc mưu sinh rã rời hơn so với một đôi chân lành lặn. Nhưng đó không phải là điều quyết định thiếu đủ trong chi tiêu, chỉ cần “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.
Ông kể, ngoài miền Trung 5 đứa con của ông cũng đang chật vật với cơm áo gạo tiền. Chúng cũng có những đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Nước mắt chảy xuôi nên ông cũng không buồn phiền chuyện không thể an hưởng tuổi già, cũng không thấy quá vất vả khi phải ly hương tìm nguồn sinh kế. Đơn giản vì ông hiểu, giữa những ngã rẽ cuộc đời, mỗi người, ai cũng có một chọn lựa phù hợp với mình. Còn được rong ruổi là còn niềm vui. Còn sức khỏe để lao động nghĩa là cuộc đời còn có ích.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!