Tại những địa phương có lợi thế về nắng và gió, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù được triển khai để kêu gọi thu hút đầu tư. Kết quả là trong thời gian ngắn, riêng ở khu vực Nam Trung Bộ, nơi lượng nắng và gió trung bình cao nhất nước, hàng loạt nhà máy điện tái tạo được đầu tư xây dựng, đi vào vận hành.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong Đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn đến năm 2020 có xét đến năm 2030, cả nước có 850 MW điện mặt trời và 800 MW điện gió. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9 vừa qua, đã có gần 3.000 MW điện năng lượng tái tạo đang vận hành, vượt gấp đôi so với quy hoạch. Địa phương có dự án năng lượng tái tạo nhiều nhất là tỉnh Ninh Thuận.
Đây cũng là điều dễ hiểu khi tỉnh Ninh Thuận được quy hoạch trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đang được triển khai thi công với tiến độ khẩn trương, cấp bách để hưởng được chính sách ưu đãi về giá điện, tiền thuê đất của Chính phủ... Bên cạch mặt tích cực, việc huy động nguồn nhân lực và phương tiện tăng đột biến trong khoảng thời gian ngắn đã gây áp lực không nhỏ cho hạ tầng giao thông và các vấn đề về môi trường ở khu vực có dự án.
Tình trạng hạ tầng giao thông xuống cấp, thiếu đất trồng trọt và chăn nuôi, đất sản xuất bị xói mòn, nhiều tác động đến người dân sống ở gần những dự án năng lượng tái tạo thực ra đã được các cơ quan quản lý Nhà nước, tỉnh Ninh Thuận lường trước khi triển khai những dự án năng lượng tái tạo. Do đó, nhiều giải pháp giảm thiểu tác động môi trường, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân được đưa ra.
Để kiểm soát môi trường vùng năng lượng tái tạo được tốt nhất, các nhà khoa học, tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức nhiều hội thảo mang tầm khu vực và quốc tế để có thêm luận chứng khoa học, phục vụ cho việc kiểm tra giám sát cũng như đưa ra các định hướng phát triển cho tương lai. Với hàng trăm nghìn tấm pin năng lượng mặt trời đang được lắp đặt, sử dụng như hiện nay, trong khoảng 20 năm tới, nếu không có quy định về thu gom xử lý, những địa phương có tiềm năng về năng lượng mặt trời chắc chắn sẽ phải chịu những hệ quả xấu về môi trường.
Theo kinh nghiệm của các quốc gia có ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tiên tiến như: Mỹ, Đức, Nhật Bản, để hạn chế sử dụng quỹ đất, giảm thiểu tác động môi trường, dự án điện mặt trời được lắp đặt trên các bãi rác thải đã đầy. Bên cạnh đó, có các giải pháp khác như: pin năng lượng mặt trời được lắp đặt có khoảng rộng, chiều cao hợp lý để tận dụng quỹ đất bên dưới chăn nuôi và trồng cây nông nghiệp. Đây cũng là gợi ý cho các nhà đầu tư, cơ quan thẩm định dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!