Sau rất nhiều tính toán, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Luật Lao động sửa đổi với 2 phương án:
Phương án 1: Từ đầu năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Đây là phương án có lộ trình chậm, cả nam và nữ sẽ về hưu muộn hơn.
Phương án 2: Cũng tăng từ đầu năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Với phương án này, lộ trình nghỉ hưu của nam và nữ sẽ nhanh hơn so với phương án 1.
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng trung bình từ 56 tuổi trong năm 1960 lên 73 tuổi vào năm 2014, gây áp lực không nhỏ đối với việc duy trì quỹ bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, chỉ số già hóa dân số của Việt Nam xếp thứ 3 trong 10 nước ASEAN, đồng nghĩa với nguy cơ thiếu hụt lao động. Chính vì vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết.
Tuy nhiên, dự thảo này vẫn vấp phải sự phản đối của một bộ phận người lao động, chủ yếu rơi vào lao động độc hại, nặng nhọc. Theo các chuyên gia, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu có thể thực hiện, nhưng lại chưa hợp lý về mặt thời gian. Trong tương lai, thị trường lao động Việt Nam sẽ thay đổi do tiến tới cách mạng 4.0 theo xu thế. Điều đó đồng nghĩa với việc lực lượng lao động hiện tại phải học cách tương tác với công nghệ và kỹ thuật. Nếu tăng dần tuổi nghỉ hưu, phải xem lại đội ngũ lao động hiện tại có đáp ứng được nhu cầu trong tương lai.
Tăng tuổi nghỉ hưu như thế nào cho hợp lý là một bài toán nan giải không chỉ ở Việt Nam mà còn tại rất nhiều nước trên thế giới. Nếu tăng không hợp lý, điều này sẽ tạo ra nguy cơ thất nghiệp cho rất nhiều lao động, gây sốc cho thị trường lao động. Bênh cạnh đó, tuổi thọ tăng không có nghĩa là sức khỏe của người lao động đã đủ sẵn sàng để kéo dài thêm thời gian làm việc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!