Thống kê từ Bộ Tài Nguyên và Môi trường, hiện toàn vùng ĐBSCL có hơn 500 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài trên 566 km, chủ yếu dọc theo sông Tiền, sông Hậu,… Trong số đó, có đến 39 điểm sạt lở bờ sông đặc biệt nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến khu dân cư và hạ tầng giao thông quan trọng với chiều dài 85 km. Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng từ việc khai thác cát, khai thác nước ngầm, do phương tiên lưu thông cao, đặc biệt thiếu hệ thống bờ kê bảo vệ ven sông…
Sạt lở bờ sông rất nguy hiểm bởi nó diễn ra khá nhanh, trong khi đặc thù của ĐBSCL là người dân sống cạnh ven sông rất nhiều. Do vậy, việc đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân ở những điểm sạt lở bờ sông là bài toán hết sức nan giải. Khó khăn chung của các địa phương bị ảnh hưởng của sạt lở là vốn. Do thiếu vốn nên việc đầu tư mọi công trình luôn đi sau. Điều này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến đời sống, tính mạng và tài sản của người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần sớm có cơ chế đặc thù về sạt lở để công tác ứng phó đảm bảo an toàn và hiệu quả hơn./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!