Ngập sâu ở vùng ĐBSCL: Do triều cường cao hay đồng bằng đang sụt lún?

Đặng Công - Phú Cường (VTV9)Cập nhật 09:34 ngày 01/10/2019

VTV.vn - Nước ngập lênh láng từ quốc lộ đến nội đô, trong những ngày qua, triều cường tháng 9 Âm lịch đã làm cho cuộc sống người dân nhiều tỉnh thành ĐBSCL bị đảo lộn.

Trong những ngày qua, triều cường tháng 9 Âm lịch đã gây ngập nhiều nơi ở khu vực phía Nam, trong đó ĐBSCL là khu vực bị ngập khá sâu. Điều mà nhiều người dân thắc mắc là năm nay lũ về muộn và cũng không cao như năm 2018, nhưng vì sao mực nước triều vào những ngày qua vẫn cao?

Hầu như mỗi năm, người dân vùng đồng bằng đều đón nhận vài đợt triều cường gây ngập như vậy. Dù đã quá quen nhưng nhiều người dân vẫn lắc đầu ngao ngán vì cuộc sống bị đảo lộn vào sáng sớm và chiều tối. Người đi đường gặp khó khăn trong lưu thông, các cơ sở kinh doanh mua bán cũng rơi vào cảnh ế ẩm. Nhiều cửa hàng buộc lòng phải đóng cửa hoặc dọn hàng sớm.

Năm 2018, lũ ở ĐBSCL được xem là lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Vào thời điểm đó, đỉnh lũ cũng rơi vào tháng 10 và gần mức báo động 3, khoảng từ 4,3 - 4,5m. Cũng trong năm đó, tại thành phố Cần Thơ đã xuất hiện triều cường lịch sử với đỉnh triều 2,23m, vượt mức báo động 3. Năm 2019, lũ ở ĐBSCL không cao. Dự báo đỉnh lũ xuất hiện trong ngày 30/9 - 1/10 sẽ vượt báo động 1 khoảng 3,28 - 3,61m. Tuy nhiên, triều cường đo được tại thành phố Cần Thơ vào sáng 30/9 đã lập mức lịch sử mới là 2,25m, cao hơn năm 2018 đến 0,3cm.

Điều này đã lý giải vì sao trong những ngày qua nhiều tuyến đường ở thành phố Cần Thơ và các tỉnh lân cận bị ngập sâu. Tuy nhiên, ngoài chuyện đỉnh triều cao, thực trạng ngập ở ĐBSCL còn có một nguyên nhân khác. Điều lạ là năm 2019, lũ ở ĐBSCL ở mức thấp nhưng triều cường vẫn gây ngập sâu. Lý giải nguyên nhân dù đã nâng cốt nền các tuyến đường nhưng thành phố Cần Thơ vẫn bị ngập mỗi khi triều cường, các nhà khoa học cho rằng thành phố này đang bị lún. Trong những năm qua, nước biển lại liên tục dâng cao. Không chỉ thành phố Cần Thơ mà cả ĐBSCL cũng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này.

Chuyện ĐBSCL bị sụt lún và ngày càng bị ngập nặng đã được nhắc đến khá nhiều trong những năm gần đây. Tuy nhiên, điều mà nhiều người không ngờ đến là tốc độ sụt lún lại ngày càng nhanh hơn. Mới đây, các nhà khoa học Hà Lan công bố phát hiện rằng ĐBSCL chỉ còn cao hơn mực nước biển 0,8m so với mức 2,6m theo công bố hiện tại. Với tốc độ sụt lún như hiện nay, 12 triệu dân vùng đồng bằng này đối diện nguy cơ sẽ phải di cư trong 50 năm tới.

Sụt lún - Nguyên nhân hàng đầu gây gia tăng triều cường ở ĐBSCL Sụt lún - Nguyên nhân hàng đầu gây gia tăng triều cường ở ĐBSCL

VTV.vn - Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến kỳ triều cường được cho là lớn nhất nhiều năm trở lại đây ở ĐBSCL là do khu vực này đang bị sụt lún.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.