Nhiều vùng ven biển ĐBSCL đã bước vào cao điểm khô hạn và xâm nhập mặn. Những ao nước ngọt đang cạn dần. Do đó, nguồn nước dự trữ không đủ để phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Mặn 1o/oo đang bao phủ gần như toàn bộ các tỉnh ven biển như: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… Trong mấy tháng qua, người dân ở nhiều nơi phải sử dụng nước mặn để sinh hoạt hàng ngày. Bà con phải mua nước ngọt phục vụ ăn uống với giá đắt đỏ, cao gấp từ 10 - 20 lần so với thời điểm trước khi hạn mặn. Theo đó, nước mua từ các sà lan là 45.000 - 50.000 đồng/m3, sau khi vận chuyển đến nơi giá dao động từ 130.000 - 200.000 đồng tùy đoạn đường xa hay gần. Tuy vậy, việc tìm được nước ngọt để mua cũng không phải dễ dàng.
Để giảm bớt khó khăn cho người dân, nhiều hình thức cấp nước miễn phí đã được các địa phương triển khai. Nhanh chóng, hiệu quả nhất là những vòi nước công cộng phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, nơi hệ thống cấp nước không vươn tới được. Giá nước ngọt bị đẩy lên cao, việc tìm mua cũng không dễ dàng, nhưng trong hoàn cảnh ngặt nghèo này, vẫn có những gia đình sẵn lòng chia sẻ nguồn nước với bà con.
Tình trạng hạn mặn năm nay khốc liệt, gay gắt hơn nhiều so với đợt hạn mặn lịch sử 2015 - 2016. Nhờ chủ động ứng phó nên mức độ thiệt hại do hạn mặn năm 2020 đã giảm đáng kể. Tuy vậy, ở nhiều vùng sâu, vùng xa, người dân vẫn còn gặp khó khăn về nước ngọt sinh hoạt. Hơn lúc nào hết, bà con nơi đây rất cần sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng.
Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan và khó lường. Chính quyền và người dân các địa phương ĐBSCL đã thực hiện nhiều giải pháp ứng phó, đảm bảo nước sinh hoạt từ xây hồ, trạm cấp nước đến khoan giếng, mở rộng hệ thống ống. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, cộng thêm tình trạng hạn mặn trên diện rộng nên những nỗ lực chưa thấm vào đâu. Do vậy, các hình thức hỗ trợ khẩn cấp cùng tinh thần tiết kiệm, chia sẻ vượt qua khó khăn vẫn là giải pháp tối ưu hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!