Thu hoạch kiệu Tết mang lại nhiều niềm vui cho bà con những ngày cuối năm nhưng cũng là công việc lắm vất vả, nhọc nhằn. Trong cái tiết trời se lạnh những ngày tháng Chạp, nhưng từ 3h sáng, hàng chục bà con đã có mặt trên những cánh đồng để thu hoạch kiệu. Nhổ kiệu không khó nhưng cũng không phải là dễ với những ai chưa quen, bởi nếu nhổ không dứt khoác và dùng lực quá mạnh sẽ khiến phần lá hoặc phần rễ bị đứt làm hao hụt kiệu. Nhổ kiệu đến đâu thì sẽ cắt bỏ lá và rễ, chỉ giữ lại phần củ. Thường người nhổ kiệu thuê sẽ được trả công theo số kg mà họ nhổ được, vì thế ai cũng tranh thủ dậy thật sớm, nhổ thật nhanh tay mong kiếm thêm thu nhập.
Với kiệu khô thì sau khi thu hoạch xong, người nông dân chỉ cần đãi kiệu cho bớt đất thì có thể bán tươi cho thương lái, tuy nhiên, ở Cam Lâm, đa phần là bán kiệu ướt, nghĩa là kiệu phải được rửa rồi mới có thể bán. Và nếu nhổ kiệu chủ yếu là công việc của phụ nữ thì công việc vận chuyển và rửa kiệu lại là công việc chính của những người đàn ông, bởi nó đòi hỏi phải có một sức khỏe thật tốt. Kiệu sau khi được rửa xong sẽ được phơi tầm 1 tiếng đồng hồ cho ráo nước và sẽ được bán cho các thương lái vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác tiêu thụ. Năm nay, do nắng hạn kéo dài nên năng suất kiệu giảm, ước đạt khoảng 1,2 tấn/sào. Ngoài ra, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19 nên giá bán cũng giảm.
Mặc dù vụ thu hoạch kiệu năm nay niềm vui chưa trọn vẹn nhưng nhiều bà con khẳng định vẫn tiếp tục trồng kiệu trong những niên vụ tới với hi vọng được mùa, được giá và còn bởi kiệu là thực phẩm không thể thiếu trong những ngày Tết của nhiều gia đình người Việt. Điều quan trọng hơn, họ không muốn đánh mất thương hiệu Kiệu Cam Lâm từ lâu đã được thị trường ưa chuộng./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!