ĐBSCL là nơi sinh sống, trú ngụ của rất nhiều loài chim. Nơi đây có những cánh đồng bạt ngàn, rừng tràm, rừng đước bao la, rất thuận tiện cho các loài chim trú ẩn, kiếm ăn. Tuy nhiên, số lượng chim chóc đang có xu hướng ngày càng giảm dần, lý do là vì chúng bị con người săn bắt. Thậm chí, săn bắt chim còn được xem là một nghề.
Ở vùng nông thôn miền Tây, không khó để bắt gặp những người chuyên đi bẫy chim. Nhiều người còn coi đây là nghề mưu sinh kiếm sống. Số lượng chim bị bắt ngày càng nhiều, điều này đã khiến sâu bệnh trên rau màu, ruộng lúa cũng xảy ra nhiều hơn. Chim chóc là được xem là loài thiên địch tự nhiên để tiêu diệt sâu bọ. Việc săn bắt chim chóc dù mang lại lợi ích kinh tế cho một số người nhưng về lâu dài sẽ gây mất cân bằng tự nhiên, khiến mùa màng thất bát vì sâu bệnh gia tăng.
Một nguyên nhân khiến chim trời bị săn bắt là do thịt chim được xem là rất bổ dưỡng. Chẳng biết từ khi nào chúng trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người. Rất nhiều quán ăn xem đây là đặc sản để thu hút thực khách.
Ở thành phố Cần Thơ, hiện có một số quán chuyên bán các loại chim như: cúm núm, ốc cao. Các quán không bày bán công khai mà chỉ có khách quen biết mới tìm đến. Tùy theo nhu cầu, quán có thể chế biến ra nhiều món khác nhau với giá cả đắt đỏ. Nổi tiếng nhất là chợ chim trời ở huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Ở đây, rất nhiều loại chim quý như: cò, vạc, trích cồ, cổ rắn được bày bán công khai. Đây được xem là chợ chim lớn nhất miền Tây. Ngày nào, nơi này cũng tấp nập người mua. Chính quyền tỉnh Long An đã nhiều lần cho dẹp khu chợ này. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng mua bán chim trời công khai lại tái diễn.
Không thể xử lý những người săn bắt, buôn bán chim trời. Trong khi đó, nhu cầu thưởng thức loài đặc sản này không ngừng tăng lên. Từ đặt bẫy, giăng lưới trong tự nhiên, một số đối tượng còn xông vào những vườn chim của cá nhân để săn bắt.
Do tình trạng săn bắt quá đà nên nguồn chim trong tự nhiên đã không còn nhiều. Còn những vườn chim mà nông dân ra sức giữ gìn lại đang đứng trước nguy cơ mất dần vì nạn săn trộm. Để giữ gìn sự đa dạng của tự nhiên, Chính phủ cần xem xét sửa đổi, bổ sung khái niệm động vật rừng để phù hợp hơn với điều kiện của vùng ĐBSCL, nếu không tình trạng săn bắt chim trời ở đây sẽ khó lòng giảm bớt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!