Phòng ngừa bệnh dại: Khó từ ý thức người dân

Đặng Công - Phú Cường (VTV9)Cập nhật 10:02 ngày 23/10/2019

VTV.vn - Bệnh dại có thể ngăn chặn nếu người dân chú trọng tiêm ngừa cho chó, mèo và cho bản thân. Tuy nhiên, ý thức phòng bệnh dại trên người và vật nuôi vẫn rất kém.

Sau nhiều năm im ắng, hiện bệnh dại đang có nguy cơ bùng phát ở một số tỉnh phía Nam. Khu vực này đã có 12 người tử vong do chó, mèo dại cắn. Vius gây bệnh dại xuất hiện ở 6 địa phương. Tỉnh Cà Mau là địa phương có số người tử vong do bệnh dại cao nhất với 4 trường hợp. Ở các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng và Long An, mỗi địa phương có 2 người tử vong. Còn tỉnh Bạc Liêu và Bình Phước đều có 1 người tử vong.

Các bác sỹ khuyến cáo, khi bị chó, mèo cắn, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để tiêm ngừa. Hiện nay, bệnh dại không có thuốc điều trị, nếu mắc phải nguy cơ tử vong là rất cao. Tiêm ngừa vaccine là cách hữu hiệu nhất để ngăn ngừa nguy cơ tử vong khi bị chó dại cắn. Nguyên nhân là do bệnh dại hiện không có thuốc đặc trị mà chỉ có phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine. Tuy nhiên, nhiều người vẫn xem nhẹ tính mạng của mình. Tại tỉnh Cà Mau, nhiều trường hợp bị chó dại cắn đã không đến cơ sở y tế mà nhờ những thầy thuốc Nam, thuốc Bắc ở quê rút nọc bằng bài thuốc gia truyền, thậm chí là quên cả việc tiêm ngừa.

Hiện tất cả trung tâm y tế đều có vaccine phòng bệnh dại. Nếu tiêm hết 5 lần và có cả huyết thanh kháng bệnh dại, chi phí khoảng 2 triệu đồng. Dù đắt đỏ so với thu nhập của người dân nông thôn nhưng đây là cách phòng ngừa bệnh dại hiệu quả nhất.

Một cách phòng bệnh dại chủ động khác là tiêm ngừa cho vật nuôi. Theo các bác sỹ thú y, virus dại bắt nguồn từ động vật nuôi trong nhà như chó, mèo. Nếu chó, mèo được phòng ngừa bệnh dại, tỷ lệ lây qua người rất thấp. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm ngừa phòng bệnh dại ở các địa phương hiện đang rất thấp. Tại tỉnh Cà Mau, tổng đàn chó, mèo của địa phương là 160.000 con. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm ngừa vaccine phòng dại chỉ là hơn 10%. Còn ở tỉnh Bạc Liêu, tỷ lệ này là dưới 10%.

Chó, mèo không được tiêm ngừa, do đó virus dại vẫn tồn lưu trong cơ thể của vật nuôi. Ở vùng nông thôn, người dân lại có thói quen nuôi chó thả rông. Không chỉ tiềm ẩn tai nạn giao thông, chó thả rông còn khiến nguy cơ bệnh dại bùng phát. Trong thời điểm bệnh dại có nguy cơ bùng phát cao như hiện nay, tỉnh Cà Mau đã tính đến phương án ra quân bắt chó thả rông, nhưng việc thực hiện là không dễ.

Người dân nuôi chó không tiêm ngừa phòng dại, cơ quan chức năng muốn bắt chó dại lại không thể xuống các địa bàn vùng sâu vùng xa. Những nghịch lý này đã dẫn đến nguy cơ bệnh dại bùng phát ở khu vực phía Nam, nhất là ở 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Điều khó nhất là ý thức phòng bệnh của người dân. Nếu chó, mèo cũng được cột dây, rọ mõm và tiêm phòng đầy đủ, nguy cơ bệnh dại hoàn toàn có thể kiềm chế, đáng tiếc là nhiều người dân vẫn chưa ý thức được điều này.


Tử vong vì dùng thuốc gia truyền chữa bệnh dại Tử vong vì dùng thuốc gia truyền chữa bệnh dại Phòng chống bệnh dại ở Cà Mau Phòng chống bệnh dại ở Cà Mau Khó khăn trong phòng chống bệnh dại tại Đắk Lắk Khó khăn trong phòng chống bệnh dại tại Đắk Lắk


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Giữ đam mê chế tác đàn ghi ta ở phố biển

VTV.vn - Cây đàn ghi ta, tiếng đàn ghi ta- có lẽ đã quá quen thuộc với mọi người. Nhưng, không phải ai cũng tận mắt nhìn thấy đàn ghi ta được làm ra như thế nào.