Sau năm 1954, gia đình bà Nguyễn Thị Mực đã ở nơi này, hiện là phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Khi đó, trước nhà là bờ sông đầy lau lách, và căn nhà đã trở thành nơi nuôi giấu cán bộ giữa lòng địch. Hầm bí mật được đào ngay trong nhà, ròng rã nhiều tháng trời giữa bốn bề đều là địch.
Thời điểm đó là vào năm 1958. Nhiều cán bộ cách mạng đã sống ở nhà bà Mực, vượt qua không biết bao nhiêu trận càn quét để bám trụ xây dựng cơ sở trong lòng địch. Đó là nhờ căn hầm bí mật mà mãi đến ngày giải phóng, người dân trong vùng mới biết được đây là cơ sở của cách mạng.
Nếu căn hầm bí mật bị lộ, tính mạng của cả nhà bà Mực khó có thể giữ được. Dù không ít lần rơi vào tình thế nguy nan, nhưng bà Mực vẫn quyết giữ căn hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ trong suốt những năm tháng kháng chiến.
Nhà ông Nguyễn Kiến Hiếng (cũng ở phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) dường như là ngôi nhà của ký ức. Chị gái của ông Hiếng, chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh, được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chị Oanh đã chấp nhận hy sinh để bảo vệ cán bộ được nuôi giấu dưới hầm.
Thời gian qua đi, những căn hầm bí mật giờ chỉ còn trong lời kể của những chứng nhân hiếm hoi còn lại. Tuy nhiên, những căn hầm tối vẫn trọn vẹn là nơi của ánh sáng, ánh sáng từ tấm lòng của người dân đối với sự nghiệp thống nhất đất nước, ánh sáng của tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Tất cả làm nên sức mạnh diệu kỳ để quân và dân ta bước qua những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!