Để đạt được mục tiêu ngắn hạn nhất là tới năm 2025 hình thành xong cơ chế vận hành trung tâm tài chính quốc tế, những rào cản để TP.HCM là trung tâm tài chính đã và đang được thành phố dần tháo gỡ. Điều đáng mừng nhất là trong 10 tiêu chí để TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, thành phố đã tự mình giải quyết và đáp ứng được 4 tiêu chí. Theo các chuyên gia kinh tế, 6 tiêu chí còn lại là nút thắt của đề án TP.HCM là trung tâm tài chính quốc tế đòi hỏi phải có sự hỗ trợ giải quyết từ phía Nhà nước.
Hiện tỷ lệ ngân sách được giữ lại của thành phố giai đoạn 2017 - 2020 giảm mạnh, chỉ còn 18%, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải, ách tắc và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn. Tuy nhiên, những rào cản về hạ tầng công nghệ đang được thành phố dần tháo gỡ với sự chung tay của cả hệ thống từ chính quyền tới người dân.
Bên cạnh sự chuẩn bị của TP.HCM, cần có sự đồng thuận, hậu thuẫn rất quan trọng của Trung ương từ góc độ chiến lược, tầm nhìn quốc gia cho đến những chính sách cụ thể bởi các trung tâm tài chính khác đã phát triển mà thành phố nay mới xây dựng đề án.
Thời điểm trình Chính phủ đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2020 trùng với dịp phê duyệt nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố. Đây sẽ là thuận lợi giúp TP.HCM nhanh chóng triển khai thực hiện đề án. Những rào cản như: nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin sẽ từng bước được khắc phục để đưa thành phố trở thành trung tâm tài chính quốc tế trong năm 2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!