Theo đăng ký của các chủ hàng thì lượng gà này được nhập vào Việt Nam để làm thực phẩm. Thịt gà nhập khẩu chủ yếu đến từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Ba Lan, Brazil. Trong đó chiếm gần 1 nửa có xuất xứ từ Mỹ với sản phẩm là đùi gà góc tư, đùi tỏi gà. Riêng gà nguyên con được nhập về Việt Nam chủ yếu tới từ Hàn Quốc với đặc điểm không đầu, không chân, không nội tạng… Cũng theo Bộ nông nghiệp, giá gà nhập khẩu về Việt Nam có xu hướng giảm. Nếu như đầu năm, giá nhập về khoảng hơn 50.000đ/kg thì thời gian gần đã giảm còn gần 1 nửa, tức vào khoảng 28.000đ/kg sau khi cộng 20% thuế.
Với mức giá này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất cũng như các trang trại nuôi gà thịt trong nước khi mà giá nhập khẩu lúc chưa tính thuế còn thấp hơn cả giá thành sản xuất tại Việt Nam.
May thì hòa, xui thì lỗ vốn là tình trạng bấp bênh của nhiều trang trại nuôi gà thịt hiện nay tại tỉnh Đồng Nai. Giá gà lên xuống thất thường, nguồn cung đang nhiều hơn cầu, cộng với giá thành gà trong nước luôn cao hơn thịt gà nhập khẩu khiến đầu ra của người nuôi khó khăn hơn.
Một con gà dai khoảng 1kg nhập từ Hàn Quốc có giá chỉ 54.000 đồng/kg đang được bán rất nhiều tại các siêu thị. Trong khi đó giá gà tam hoàng của Việt Nam là 70.000 đồng/kg; giá gà ta lên đến hơn 200.000 đồng/kg. Mức giá chênh lệch này là điều đã thấy lâu nay, nhưng làm thế nào để có thể hạ giá thành cạnh tranh với gà nhập khẩu là bài toán quá khó với người chăn nuôi.
Phân khúc của thịt gà nhập khẩu giá rẻ hiện là các quán ăn, bếp ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể nhưng lại chiếm đa số nhu cầu của thị trường. Khi số lượng và giá cả thịt gà nhập khẩu đang áp đảo, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề lúc này mà người chăn nuôi có thể làm là kiểm soát dịch bệnh, đầu tư quy trình chăn nuôi để nâng chất lượng sản phẩm thịt gà, thậm chí là phải cùng hợp lực để tạo nên thương hiệu cho thịt gà thương phẩm trong nước./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!