Đối với vấn đề làm thế nào để cân đối cung cầu cho những tháng tiếp theo khi lượng lợn đang giảm đi, người dân không dám tái đàn, phương án trữ đông thịt lợn đã được tính đến. Tại các tỉnh như: Thái Bình, Hưng Yên, tổng đàn đã giảm 30% sau khi có dịch. Rõ ràng, việc thiếu hụt nguồn lợn trong những tháng tiếp theo là thấy rõ, kéo theo hệ lụy của việc khan hàng sẽ là sốt giá, đây là điều không khó tránh khỏi. Nguy cơ thịt đông lạnh nhập khẩu tràn vào Việt Nam cũng khó đoán trước.
Vì vậy, đã có nhiều cuộc họp giữa Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành liên quan để lên phương án cấp đông thịt lợn nhằm đảm bảo nguồn hàng trong những tháng cuối năm. Hiện phương án giết mổ cấp đông, giải pháp cấp đông thịt lợn để đủ nguồn hàng cho những tháng tiếp theo nhằm cân đối cung cầu, tránh việc thịt ngoại ồ ạt vào Việt Nam đã có.
Theo tính toán, cả nước có khoảng 5 triệu con lợn sạch cần được cấp đông ngay lúc này để không bị tiêu hủy vì dịch bệnh. Nguồn thịt này sẵn sàng tung ra thị trường khi lượng hàng khan hiếm. Tuy nhiên, một thực tế được đặt ra lúc này là người tiêu dùng sẽ đón nhận nguồn hàng này như thế nào?
Cấp đông thịt lợn dự trữ để cân đối cung cầu, tránh sốt hàng, sốt giá gây nhiễu loạn thị trường là chủ trương đúng đắn. Phương án cấp đông để bán ra thị trường cũng phải tính đến yếu tố thị trường, cạnh tranh về giá thành so với sản phẩm cùng loại. Trên thực tế, bài toán chi phí, giá cả cùng với đầu ra cho sản phẩm thịt đông lạnh hiện vẫn nhiều nan giải.
Doanh nghiệp kêu khó bởi rõ ràng nhu cầu thị trường không có nên việc cấp đông sản phẩm thịt lợn sẽ kéo theo những hệ lụy kinh tế cho doanh nghiệp. Nhiều ý kiến còn cho rằng, nếu không được doanh nghiệp quản lý tốt, việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt sẽ trở thành là nơi lưu giữ mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi khi virus này sống được trong thịt đông lạnh tới hơn 3 tháng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!