Đen Vâu – một trong những nghệ sĩ thành công nhất của năm 2019. Nhưng trước khi được nhiều người biết đến, anh từng có cuộc sống lắm khó khăn. Để có tiền trang trải cho bản thân và gia đình, anh đã đi làm ngay khi mới tốt nghiệp cấp 3. Trong 7 năm, anh đã đổi nhiều nghề, từ công nhân vệ sinh bãi biển ở thành phố Hạ Long tới đi làm phụ bếp tại quán ăn.
Năm 2014, anh viết ca khúc "Đưa nhau đi trốn" và cùng bạn là Linh Cáo đưa lên mạng. Bài hát nhanh chóng phổ biến, và Đen Vâu bắt đầu được biết đến.
Có thể chính vì cuộc sống nhiều trải nghiệm nên Đen Vâu trở thành một rapper theo dòng nhạc indie - underground với những ngôn từ thoải mái, mộc mạc, những bài hát như những câu chuyện đời giản dị. Thông điệp từ các bài hát cũng là lời anh muốn nhắn nhủ với khán giả - sống là không ngừng cố gắng.
Đen Vâu từng chia sẻ: "Vì sao tôi rap? Vì lúc đó không có lựa chọn khác. Nếu mà không rap thì có lẽ bây giờ vẫn nhặt rác. Và những hành trình cho ta thấy những ngày xanh biết hơn, những ngày tháng đó nhắc tôi biết mình phải biết ơn".
Một câu chuyện khác. Phần đông những người mãn hạn tù khi trở lại thường phải nhận những cái nhìn không thiện cảm, từ đó, dễ tự ti, mặc cảm và thường tái phạm tội. Nhưng tại Hậu Giang, có một người đàn ông đã dần dần vượt qua những khó khăn đó.
Tuổi trẻ bốc đồng, trong giây phút không kiềm chế, ông Phạm Thành Thanh đã phạm tội "cố ý gây thương tích". Sau khi ra tù, ông được vận động tham gia Câu lạc bộ "Hướng thiện", gồm nhiều thành viên cùng cảnh ngộ. Không chỉ được động viên, chia sẻ, ông Thanh còn được địa phương hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng để phát triển chăn nuôi.
Ông Thanh giờ không chỉ chăm lo làm ăn mà còn tích cực trong các hoạt động cộng đồng. Từ sửa cầu, vá đường, đưa đón bà con miễn phí qua sông - ông đều làm hết. Sắp tới, ông Thanh còn ấp ủ kế hoạch kêu gọi anh em lập đội hiệp sỹ đảm bảo an ninh trật tự tại quê nhà. Với ông đó là cách để sửa sai, để sống lại một cuộc đời tử tế.
Xã hội còn rất nhiều người như vậy – gạt bỏ quá khứ bản thân, cố gắng vươn lên, sống có ích cho đời. Cách đây 5 năm, một giải thưởng đã được tạo ra nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch AIDS – giải thưởng Dải băng đỏ, được khởi xướng và duy trì bởi chính những người đang chung sống với HIV.
Anh Nguyễn Anh Phong, người khởi xướng giải thưởng Dải Băng Đỏ trăn trở: "Trước đó đã có quãng thời gian khá dài để kêu gọi nhưng mình vẫn nhận thấy có rất nhiều trường hợp bị kỳ thị, rất nhiều trường hợp bỏ điều trị hay có HIV mà không điều trị dù đã có thuốc ARV và dịch vụ chăm sóc hỗ trợ người có H sẵn có nhưng vì sao họ không tiếp cận để dẫn đến tử vong".
Bắt đầu bằng việc kết nối cộng đồng, không kỳ thị người có H, rồi vận động người có H sử dụng bảo hiểm y tế để điều trị lâu dài, mở rộng hoạt động đến nhóm có nguy cơ ảnh hưởng cao, đến vận động cộng đồng đồng hành với người có H và thông điệp không phát hiện – không lây nhiễm của năm 2019, Dải Băng Đỏ đã kết nối một nguồn lực to lớn.
Những người sống chung với HIV đã từ bóng tối đã bước ra ánh sáng với Dải Băng Đỏ. Với những người khởi xướng Dải Băng Đỏ, họ thấy hạnh phúc vì con đường họ đi không đơn độc.
Điều đáng quý nhất qua những câu chuyện vừa rồi là các nhân vật không chỉ vượt qua khó khăn của bản thân, mà còn trở thành nguồn động lực để những người xung quanh làm điều tương tự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!