35 điểm nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở ở khu vực Trung Bộ và Đắk Lắk

PV (t/h)-Thứ năm, ngày 07/11/2024 09:45 GMT+7

VTV.vn - Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, mô hình độ ẩm đất tại một số khu vực thuộc các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và Đắk Lắk đã đạt trạng thái bão hòa.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đêm hôm qua và sáng nay (07/11), ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa, mưa rào, cục bộ có nơi mưa to; khu vực từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to; ở khu vực Tây Nguyên cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 06/11 đến 08h ngày 07/11 có nơi trên 100mm như: Đề Gi (Bình Định) 197.8mm, Sông Hinh 4 (Phú Yên) 114.3mm, Ea Mdoal (Đắk Lắk) 111.6mm, Hồ Long Mỹ (Bình Định) 102.8mm, …

Dự báo: ngày 07/11, ở khu vực Bình Định đến Ninh Thuận có mưa, mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 80mm.

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, mô hình độ ẩm đất tại một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Đáng chú ý, dự báo trong 3-6 giờ tới, khu vực tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến như sau: từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên 20-40mm, có nơi trên 70mm; Đắk Lắk 10-20mm, có nơi trên 40mm.

Dự báo, trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện, đặc biệt tại các khu vực:

Thừa Thiên Huế: huyện A Lưới, huyện Nam Đông, huyện Phú Lộc.

Đà Nẵng: huyện Hòa Vang

Quảng Nam: huyện Bắc Trà My, huyện Nam Giang, huyện Nam Trà My, huyện Núi Thành, huyện Nông Sơn, huyện Phú Ninh 

Quảng Ngãi: huyện Ba Tơ, huyện Sơn Tây, huyện Trà Bồng, thị xã Đức Phổ.

Bình Định: huyện An Lão, huyện Hoài Ân, huyện Phù Cát, huyện Phù Mỹ, huyện Tây Sơn, thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, huyện Vân Canh, huyện Vĩnh Thạnh 

Phú Yên: huyện Đồng Xuân, huyện Phú Hòa, huyện Sơn Hòa, huyện Sông Hinh, huyện Tây Hòa, thị xã Sông Cầu 

Đắk Lắk: huyện Ea Kar, huyện Krông Năng, huyện Krông Pắc, huyện M'Đrắk

Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.

Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất...

Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn.

Ngoài ra, để chủ động ứng phó với diễn biến với mưa lũ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện đề nghị các tỉnh, thành phố ở khu vực Trung Bộ tổ chức rà soát, chủ động sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm "bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn các hồ chứa nước và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa bảo đảm dung tích đón lũ theo quy định; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Sẵn sàng lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy siết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Kiến nghị các cơ quan chức năng tại địa phương lưu ý rà soát các điểm nghẽn dòng, các vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước