Bộ Y tế từng thử nghiệm việc cách ly F1 tại nhà ở tỉnh Bắc Giang để ứng phó với tình huống số ca mắc COVID-19 và số người trong diện phải cách ly tăng cao.
Khi số ca mắc tăng cao, đồng thời số lượng F1, F2 sẽ tăng theo cấp số nhân, áp lực đối với các khu cách ly tập trung là vô cùng lớn. Vì vậy, nhiều chuyên gia đề nghị Bộ Y tế nên thay đổi phương thức cách ly để phù hợp với tình hình mới.
Nhiều người cho rằng, việc thực hiện cách ly F1 tại nhà là rất cần thiết. Tuy nhiên, bài toán cần phải giải là làm sao để người cách ly tại nhà và cả gia đình thực hiện theo đúng quy trình, được kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm nếu sai phạm xảy ra.
PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết: "Để an toàn, phải đáp ứng 4 điều kiện gồm: người cách ly phải hiểu biết, có thái độ nghiêm túc thực hiện; hai là có điều kiện vật chất, phòng riêng tại nhà; thứ ba là người nhà cũng phải có hiểu biết vì sẽ là F2 nên cũng phải cách ly; thứ tư là giám sát qua camera hay đeo vòng gắn chip".
Các chuyên gia cho rằng, việc hai điểm nóng dịch COVID-19 ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang áp dụng thí điểm cách ly F1 tại nhà sẽ là cơ sở đánh giá để nhân rộng trên cả nước nếu dịch xảy ra theo kịch bản, tình huống xấu hơn. Thay vì áp dụng máy móc, cần phân loại F1 để cách ly phù hợp, đồng thời vẫn duy trì song song cả hai hình thức cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện và cách ly tập trung để đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!