Ngày 3/2, TTXVN đưa tin Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang vừa tiếp nhận cấp cứu 2 trường hợp ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ấm trong phòng lạnh. Bệnh nhân là bà L.T.M. (SN 1965, ngụ phường Mỹ Quý, TP. Long Xuyên) và con gái là H.T.L. (SN 1989). Hai bệnh nhân được người nhà đưa đến cấp cứu trong trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, ngộ độc khí CO.
Theo người nhà bệnh nhân, chị L. vừa sinh bé gái được 8 ngày tuổi, cùng con gái 2 tuổi và mẹ ngủ trong phòng kín, có đốt than sưởi ấm vào tối 1/2. Hôm sau, không thấy gia đình mở cửa, hàng xóm sang xem phát hiện 3 người đang nguy kịch, bé gái hai tuổi đã tử vong.
Lập tức, bà L.T.M. và chị H.T. L. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, bé gái 8 ngày tuổi được đưa vào Bệnh viện Sản - Nhi An Giang cấp cứu.
Việc nhiều người dân đã sưởi ấm bằng cách đốt than, củi trong không gian kín không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm thậm chí là tử vong.
Mới đây, ngày 1/2, người dân thôn Yên Trung, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa phát hiện ông M.V.H (sinh năm 1971) đã tử vong; còn vợ bà P.T.H (sinh năm 1974) trong tình trạng nguy kịch, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Theo nhận định ban đầu, hai vợ chồng có thể bị ngạt khí CO từ việc đốt than sưởi ấm trong phòng ngủ đóng kín các cửa. Trước đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận, điều trị cho 2 nữ bệnh nhân bị ngộ độc khí CO do đốt than củi để sưởi ấm
Tại Bắc Giang, sáng 28/1, người dân xã An Hà, huyện Lạng Giang phát hiện tại một gia đình ở thôn Mia có 3 người trong một gia đình bị tử vong. Ngay khi nhận được tin báo, các lực lượng chức năng đã đến hiện trường.
Qua sơ bộ khám nghiệm hiện trường, thấy anh Đ.V.N (sinh năm 1984) và vợ là chị P.T.V (sinh năm 1983) cùng con trai Đ.V.Đ (sinh năm 2019) nằm chết trên giường trong phòng ngủ rộng hơn 10m2 đóng kín cửa, phía dưới nền có một chậu than hoa đã cháy hết. Bước đầu xác định có thể các nạn nhân đốt than để sưởi chống rét sau đó bị ngộ độc khí than.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không đốt củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín vì phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu oxy, sẽ hình thành CO ngày càng nhiều. Khi hít phải CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và "cướp" mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn và đau ngực.
Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!