41 người chết vì tai nạn giao thông trong ngày 2/5

Theo TTXVN-Chủ nhật, ngày 03/05/2015 06:03 GMT+7

VTV.vn - Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, ngày 2/5, cả nước xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông, làm chết 41 người, bị thương 43 người.

Trong đó, đường bộ xảy ra 45 vụ tai nạn giao thông, làm chết 37 người, bị thương 43 người; đường thủy xảy ra 4 vụ, làm chết 4 người; đường sắt không xảy ra tai nạn. Đây là ngày có số người chết vì tai nạn giao thông cao nhất kể từ đầu đợt nghỉ lễ. Mặc dù trong ngày giảm về số vụ tai nạn nhưng so với ngày 1/5, số người chết đã tăng tới 13 người.

Tính chung trong 5 ngày nghỉ lễ (28/4 - 2/5), cả nước đã xảy ra 212 vụ tai nạn giao thông, làm chết 132 người, bị thương 152 người, mất tích 3 người. Trong đó tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 200 vụ, làm chết 122 người, bị thương 151 người; đường thủy xảy ra 9 vụ, làm chết 8 người, mất tích 3 người; đường sắt xảy ra 3 vụ, làm chết 2 người, bị thương 1 người.

Lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 46.520 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nộp kho bạc Nhà nước trên 15 tỷ đồng; tạm giữ 167 xe ô tô, 5.917 xe mô tô, tước 1.352 giấy phép lái xe. Riêng ngày 2/5, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý trên 8.000 trường hợp vi phạm, tạm giữ 26 xe ô tô, 1.357 xe mô tô, tước 107 giấy phép lái xe.

Từ ngày 1/5, lượng người đón tàu, xe từ các địa điểm du lịch, nghỉ mát trở về các đô thị lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh) sau kỳ nghỉ dài bắt đầu tăng mạnh. Tại Đà Nẵng, từ trưa 1/5 đến 2/5, số lượng hành khách đổ về quá lớn khiến ga Đà Nẵng chật kín. Do quá tải về số lượng, ghế cho hành khách ngồi không đủ nên hàng trăm người chờ tàu vào Thành phố Hồ Chí Minh phải đứng, ngồi dưới nền, trong khi vé tàu đi về các tỉnh trong ngày phần lớn đã bán hết, chỉ còn ghế phụ.

Tại bến xe trung tâm Đà Nẵng, hàng trăm người cũng chen nhau mua vé đi các tỉnh. Những tuyến đi gần như Huế, Núi Thành… đã hết vé, một số nhà xe còn nhồi nhét thêm khách.

Tại bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát (Hà Nội), người dân từ các tỉnh thành đổ về Thủ đô làm việc sau những ngày nghỉ lễ đang tăng lên. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sáng 1/5, hàng chục nghìn người đổ về các khu vui chơi như Thảo Cầm Viên, Đầm Sen... khiến các khu vực này trở nên quá tải.

Tại Thanh Hóa, từ ngày 30/4 đến nay, do lượng người dân đến và đi từ bãi biển Sầm Sơn quá lớn đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường chính dẫn ra bãi biển. Mặc dù tại các ngã ba, ngã tư trên tuyến đường Lê Lợi đều có cảnh sát giao thông phân luồng, ngăn chặn tình trạng tắc đường nhưng do dòng người và phương tiện đến biển Sầm Sơn quá đông, người điều khiển phương tiện giao thông chen lấn, không tuân thủ luật giao thông khiến trục đường chính dẫn xuống biển Sầm Sơn vẫn xảy ra ùn tắc.

Cùng với việc lượng người tham gia giao thông tăng, số cuộc gọi phản ánh về tình trạng nhồi nhét khách, thu tiền quá giá vé quy định, vượt quá tốc độ quy định tới đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng tăng lên với hơn 40 cuộc gọi trong ngày 2/5. Các vi phạm trên chủ yếu xảy ra trên các tuyến xe từ Thanh Hóa - Hà Nội. Sau khi nhận được thông tin, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý hành vi chở quá số người quy định theo thông tin được phản ánh.

Ngày 3/5 là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ, dự báo sẽ là ngày cao điểm hành khách trở về các thành phố lớn làm việc, nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị các lực lượng chức năng, chủ chốt là lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông cần tăng cường quản lý các hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách, kiểm soát chặt chẽ xe xuất bến, bảo đảm không có xe khách chở quá số người quy định xuất bến, không có hiện tượng thu vé quá quy định.

Lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với thanh tra giao thông tăng cường ứng trực, tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông trọng điểm dẫn vào Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Lực lượng cứu hộ giao thông tăng cường ứng trực, giải quyết kịp thời các sự cố giao thông xảy ra trên đường, bảo đảm không để xảy ra các tình huống ùn tắc kéo dài. Các bến xe cần phải có phương án tổ chức giao thông, bố trí nhân lực phối hợp với lực lượng công an, thanh tra giao thông và các lực lượng khác kiểm tra, kiểm soát để người dân đi lại an toàn khi quay trở lại thành phố làm việc.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước