5 dấu hiệu cần sự trợ giúp y tế trong quá trình phục hồi hậu COVID-19

Minh Đức-Thứ năm, ngày 19/05/2022 21:47 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ Y tế, nếu xuất hiện 1 trong 5 dấu hiệu cảnh báo trong quá trình phục hồi hậu COVID-19 thì cần có sự trợ giúp y tế kịp thời để tránh các biến chứng nặng hơn.

Bộ Y tế vừa ban hành tài liệu hướng dẫn phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc COVID-19. Theo đó, Bộ Y tế nêu rõ, COVID-19 có thể gây ra các vấn đề sức khỏe và các triệu chứng lâu dài ảnh hưởng đến các sinh hoạt thường ngày. Trong một số trường hợp, những triệu chứng này có thể tồn tại quá 12 tuần, hay còn gọi là các tình trạng hậu COVID-19.

Trong tài liệu hướng dẫn này, Bộ Y tế hướng dẫn, những người sau mắc COVID-19 nếu thấy xuất hiện 1 trong 5 dấu hiệu cảnh báo sau đây thì cần sự trợ giúp y tế từ nhân viên y tế. Cụ thể:

- Thấy khó thở khi hoạt động nhẹ mà tình trạng này không cải thiện khi thực hiện bất kỳ tư thế làm giảm khó thở như: Nằm sấp; nằm nghiêng một bên cao đầu với đầu gối co nhẹ; ngồi cúi đầu ra trước; đứng cúi đầu ra trước, tay chống hông hoặc eo; thực hiện các kỹ thuật tập thở…

- Có sự thay đổi tình trạng khó thở khi nghỉ ngơi mà không thấy đỡ hơn khi thực hiện các kỹ thuật vận động và tập thể dục.

- Thấy đau ngực, tim đập nhanh hoặc chóng mặt khi ở một số tư thế hoặc trong quá trình tập luyện hay hoạt động thể lực.

- Tình trạng lẫn lộn ngày càng xấu đi hoặc bạn cảm thấy khó nói hay khó hiểu lời nói.

- Thay đổi cảm giác và vận động trên mặt, tay hay chân, đặc biệt là các dấu hiệu này chỉ có ở một bên cơ thể hoặc tình trạng lo âu hay tâm trạng xấu đi, hay có ý nghĩ muốn làm hại bản thân.

Ngoài ra, nếu cảm thấy mệt mỏi kéo dài sau mắc COVID-19, đồng thời có bệnh mạn tính về tim mạch (bệnh mạch vành, suy tim...); bệnh nội khoa (đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...) hoặc có biến chứng về tim mạch, hô hấp... trong thời gian nhiễm COVID-19 thì không nên trì hoãn mà cần khám và quản lý sớm.

Cũng theo tài liệu hướng dẫn vừa ban hành của Bộ Y tế, COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn và tình trạng dinh dưỡng, trong đó một số người bị giảm cân do ăn uống kém nhưng một số người lại tăng cân do ít vận động. Do đó, cần phải có một chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý, lành mạnh để cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần phục hồi sức khỏe một cách toàn diện sau mắc COVID-19.

Cụ thể, cần đảm bảo việc cung cấp thực phẩm, ăn đủ 3 bữa chính, ăn ngay cả khi bị mệt, không muốn ăn. Nếu lượng ăn vào ít, không đủ thì nên chia nhỏ để ăn thành nhiều bữa hơn.

Ngoài ra, mỗi bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm, chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Số lượng các nhóm thực phẩm tiêu thụ cân đối trong ngày theo khuyến nghị của tháp dinh dưỡng hợp lý cho các lứa tuổi.

Cần uống nhiều nước, hạn chế sử dụng nước ngọt đóng chai, rượu, bia, chất kích thích; hạn chế ăn mặn, hạn chế chất béo và đường; cần thiết thì đi khám tư vấn dinh dưỡng để được các nhân viên y tế tư vấn bổ sung vi chất dinh dưỡng cho phù hợp và an toàn.

WHO: Bốn khu vực trên thế giới ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng WHO: Bốn khu vực trên thế giới ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng

VTV.vn - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số ca mắc COVID-19 đang ổn định trên toàn cầu, nhưng hiện có 4 khu vực ghi nhận số ca nhiễm gia tăng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước