Trao tặng sách cho các vị khách mời. Ảnh: hcmcpv
Chiều 12/4, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ Việt Nam) và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm chuyến bay vào vũ trụ của Yuri Gagarin và lễ ra mắt ấn phẩm lưu trữ "Chuyến du hành vũ trụ lịch sử".
Buổi lê diễn ra tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội.
Sự kiện này nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 70 năm ngày thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Liên Xô/Liên bang Nga (1950 – 2020), 40 năm chuyến bay vào vũ trụ của phi hành đoàn Việt – Nga trên con tàu Liên hợp 37 (23/7/1980 – 23/7/2020) và kỷ niệm 60 năm chuyến bay vào vũ trụ của nhà du hành Yuri Gagarin (12/4/1961 – 12/4/2021).
Tham dự có Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov; Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga và đại diện nhiều ban, ngành, tổ chức, đơn vị.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng phát biểu tại buổi lễ.
Tại sự kiện, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, Liên Xô trước đây, nay là Liên bang Nga, là một trong những nước đầu tiên công khai thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam. Quan hệ hai nước đã trải qua chặng đường 70 năm lịch sử với những thành tựu quan trọng, toàn diện. Từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, qua các giai đoạn, thời kỳ lịch sử, Việt Nam và Liên Xô đã triển khai ký kết hàng loạt văn bản, hiệp định, hiệp ước hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, quân sự, trong đó có lĩnh vực về hàng không, vũ trụ. Từ đó, dẫn tới sự kiện lịch sử năm 1980 với việc nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam - Phạm Tuân bay vào không gian vũ trụ trên con tàu "Liên hợp – 37 cùng với người bạn đồng hành Liên Xô Gorbatko.
Nhằm khẳng định hơn nữa những giá trị, ý nghĩa lịch sử của chuyến bay vào vũ trụ cũng như lòng tự hào, khát vọng chinh phục khoa học công nghệ, chinh phục vũ trụ của người dân Việt Nam, trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác giai đoạn 2019-2022 giữa Cục Văn thư và Lưu trữ Việt Nam và Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga, Cục Văn thư và Lưu trữ Việt Nam và Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga thực hiện biên soạn, xuất bản ấn phẩm tài liệu lưu trữ "Chuyến du hành vũ trụ lịch sử" bằng tiếng Nga năm 2020.
Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov phát biểu.
Cuốn sách "Chuyến du hành vũ trụ lịch sử" dày 130 trang, giới thiệu các tài liệu, hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn từ các cơ quan lưu trữ và văn hóa của hai nước. Đặc biệt, trong sách có một số tài liệu vừa giải mật, lần đầu tiên được công bố giới thiệu tới bạn đọc, cung cấp những thông tin, tài liệu có giá trị.
Tại buổi lễ, Trung tướng Phạm Tuân cũng đã chia sẻ những kỷ niệm của ông về chuyến bay vào vũ trụ 40 năm trước và về cuốn sách "Chuyến du hành vũ trụ lịch sử" mới ra mắt bạn đọc Việt Nam. Ban Tổ chức đã trao tặng sách cho Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam, Trung tướng Phạm Tuân và các vị khách mời.
Triển lãm ảnh "60 năm chuyến bay vào vũ trụ của Yu. A. Gagarin".
Cũng trong khuôn khổ sự kiện này, lần đầu tiên Ban tổ chức giới thiệu bộ phim tài liệu "Yuri Gagarin - Bảy năm đơn độc", do Công ty Phát thanh và Truyền hình Trung ương Toàn Nga cung cấp. Bộ phim kể về một số câu chuyện thú vị trong cuộc đời của nhà du hành vũ trụ đầu tiên trên hành tinh Yuri Gagarin. Cùng với đó là triển lãm ảnh "60 năm chuyến bay vào vũ trụ của Yu. A. Gagarin".
Ngày 12/4/1961, tàu vũ trụ Vostok chở theo nhà du hành Gagarin được phóng đi từ sân bay vũ trụ Baikonour ở Kazakhstan, khi đó còn là một phần của LB Xô Viết. Chuyến bay kéo dài chỉ 108 phút khi tàu hoàn thành một vòng quay quanh quỹ đạo Trái Đất và trở về. Kể từ đó nhà du hành vũ trụ Gagarin cũng trở thành huyền thoại và ngày ông thực hiện chuyến bay cũng trở thành Ngày Du hành vũ trụ của Nga.
Nhà sử học Alexander Zheleznyakov gọi đây là thời khắc giúp cả nhân loại có niềm tin chắc chắn rằng khám phá một thế giới khác bên ngoài vũ trụ bao la hoàn toàn nằm trong tầm tay. Sự kiện đã ghi dấu ấn sâu đậm đến nỗi mà câu nói "Poekhali" (Đi thôi) của phi hành gia 27 tuổi đã trở thành câu khẩu hiệu mang tính biểu tượng với người dân Nga trong suốt những năm về sau.
Sau 60 năm, phi hành gia Yuri Gagarin, vẫn được nhắc tới như một người anh hùng của dân tộc. Hằng năm, rất đông người dân Nga vẫn tới đặt hoa tại các địa điểm tưởng niệm ông trên cả nước trong ngày 12/4. Nhà sử học Vyacheslav Klimentov gọi kỳ tích của Gagarin là nguồn cảm hứng giúp kết nối mọi người dân Nga.
Không chỉ được yêu mến bởi lòng dũng cảm và sự mưu trí, Yuri Gagarin còn là một tấm gương sáng, biểu tượng của sự thành công vươn lên từ khó khăn. Gagarin sinh trưởng trong gia đình lao động, có cha mẹ là thợ mộc và nông dân. Ban đầu ông được học ngành luyện thép trước khi được tuyển làm phi công của quân đội Xô Viết và ở tuổi 27, ông trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ.
Trong khi Gagarin được vinh danh thì tàu vũ trụ Vostok cũng được đưa vào trưng bày tại Bảo tảng Du hành vũ trụ tại thủ đô Moskva. Tại đây, trong ngày 13/4, cũng diễn ra triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Gagarin, với nhiều hiện vật như các tài liệu, ảnh và đồ dùng cá nhân của Gagarin, từ thời ông còn nhỏ hay khi còn ngồi ghế nhà trường.
Cho tới nay, chuyến bay của Gagarin vẫn luôn được nhắc đến như niềm tự hào dân tộc với mỗi người Nga, một biểu tượng thể hiện sức mạnh của LB Xô Viết trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!