An Giang: Cần hơn 13,7 triệu m3 cát cho các công trình làm đường

Quang Hà-Thứ tư, ngày 10/07/2024 11:34 GMT+7

Nguồn cung cát cho các công trình đường giao thông hiện rất khan hiếm

VTV.vn - An Giang hiện đang cần hơn 13,7 triệu m3 cát để phục vụ các công trình nên trong thời gian tới cần sớm có cơ chế tháo gỡ, để tăng nguồn cung cát san lấp, xây dựng.

Vừa qua, tại buổi làm việc với Tổ công tác liên ngành của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, trong thời gian qua, An Giang đang thực hiện thủ tục điều tiết hơn 2,43 triệu m3 cát đã bố trí cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sang cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Tổng trữ lượng cát trên địa bàn tỉnh này có ước tính hơn 18,64 triệu m3. Tuy nhiên, tổng khối lượng cát còn thiếu cho các công trình cao tốc và các công trình đường giao thông trên địa bàn An Giang còn thiếu tới hơn 13,7 triệu m3. 

Thực tế cho thấy, vẫn còn một số mỏ cát sông có thể khai thác nhưng trữ lượng khó đáp ứng đủ khối lượng 13,7 triệu m3. Chưa kể, thủ tục cấp phép khai thác lại một số mỏ phức tạp, kéo dài do vướng quyết định đóng cửa mỏ trước đây; nhiều khu vực mỏ nằm trong đoạn sông đang bị sạt lở hoặc khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt lở cao, có thể ảnh hưởng đời sống dân sinh nên cần đánh giá tác động môi trường chặt chẽ.

Trước khó khăn này, UBND tỉnh An Giang đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) điều phối từ các tỉnh khác còn nguồn cát với trữ lượng lớn hoặc xem xét, sử dụng nguồn cát biển đối với khối lượng cát đã giao cho tỉnh An Giang chịu trách nhiệm cung cấp, phân bổ, bố trí cho các đoạn cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang) nhưng còn thiếu. 

Địa phương này cho biết đã kiến nghị Bộ GTVT, Bộ T&MT và các cơ quan quan xem xét, sớm hướng dẫn việc sử dụng nguồn cát biển, các tiêu chuẩn nhiễm mặn đất nông nghiệp, nước nuôi trồng thủy sản, ngưỡng chịu mặn của một số loài cây; xác định khu vực, địa phương cụ thể được phép sử dụng nguồn cát biển để san lấp, nhằm triển khai mở rộng, giảm áp lực cho việc khai thác cát sông. Mặt khác, Bộ GTVT, Bộ T&MT cũng cần có hướng dẫn cụ thể việc xác định chi phí liên quan đến cấp mỏ và khai thác vật liệu, tránh việc có nhiều cách hiểu khác nhau. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn việc cho thuê đất mặt nước thực hiện dự án khai thác khoáng sản cát sông phục vụ cho các công trình cao tốc trọng điểm. 

An Giang: Cần hơn 13,7 triệu m3 cát cho các công trình làm đường - Ảnh 1.

Cần sớm có hướng dẫn xử lý vi phạm đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát (ảnh minh hoạ)

Mặt khác cũng hướng dẫn xử lý vi phạm đối với các trường hợp khai thác các khu mỏ theo cơ chế đặc thù vì trên thực tế hiện nay, vẫn chưa có các hướng dẫn xử lý vi phạm đối với những trường hợp này. Trên thực tế trước đây, địa phương này đã làm việc với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác cát sông để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan để xem xét xử lý. 

Qua rà soát, hầu hết các doanh nghiệp đều vi phạm quy định về vượt mức sâu khai thác, nạo vét cho phép. Tuy nhiên, để xử lý được hành vi này cần phải có bản đồ đo đạc hiện trạng địa hình đáy sông tại các khu mỏ, nạo vét, phải tính toán được số liệu về khối lượng đã khai thác vượt độ sâu cho phép, phải đảm bảo được tính pháp lý trong quá trình xử lý vi phạm. 

An Giang cũng đề nghị có hướng dẫn cấp phép khai thác để bổ sung nguồn cát đang thiếu hụt đối với khu mỏ có giấy phép khai thác đã chấm dứt hiệu lực nhưng còn trữ lượng, nằm trong quy hoạch khoáng sản và đảm bảo các điều kiện tiếp tục khai thác và giao cho doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thăm dò, cấp phép khai thác trước đây tiếp tục khai thác. Nguồn cát khai thác từ các mỏ này chỉ được cung cấp cho các công trình cao tốc theo cơ chế đặc thù.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước