Sống ở chung cư cao tầng nên chị Phạm Thị Vượng (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) rất lo lắng cho con, đặc biệt gần đây có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Mặc dù gia đình đã lắp hệ thống lưới an toàn ở ban công và các cửa sổ chính nhưng gia đình vẫn phải liên tục để mắt. Việc xoay xở để có thể vừa hoàn thành công việc ở cơ quan, vừa bố trí thời gian trông con trong mùa dịch là cả một vấn đề.
Còn với chị Lan Hương (Quận Cầu Giấy, Hà Nội), để con thuận tiện đi học, gia đình đã lựa chọn chuyển nhà về khu chung cư cũ gần trường của con. Tuy nhiên, do nhà ở đã xuống cấp nên gia đình chị luôn phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập, nhất là nếu để con ở nhà một mình trong thời gian này.
Nhằm hạn chế tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành những tiêu chí xây dựng về ngôi nhà an toàn cho trẻ. Phụ huynh có thể dựa theo các tiêu chí này để rà soát lại ngôi nhà để đảm bảo an toàn phòng, chống tai nạn cho con em mình.
Trên thực tế, việc áp dụng ngôi nhà an toàn giúp bảo vệ trẻ em vẫn còn chưa được các gia đình và chủ đầu tư xây dựng các công trình quan tâm sát sao. Điều đó dẫn đến việc mỗi năm có hơn 300 nghìn em nhỏ bị tai nạn thương tích trong chính ngôi nhà của mình, trong đó có hơn 6.000 trường hợp tử vong. Vấn đề này đòi hỏi phải tăng cường các công tác thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng, ngoài ra cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho các cộng đồng và gia đình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!