Những ống hút thuốc lá điện tử với nhiều màu sắc, có cả các màu hồng cho nữ cũng chứa các chất độc hại nicotin tương tự như thuốc lá thông thường. Thế nhưng rất đáng lo ngại, hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ tại Việt Nam lại đang gia tăng nhanh.
Tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử tăng 18 lần sau 5 năm
Theo kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá do Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện tại 34 tỉnh thành phố, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử tăng báo động từ 0,2% năm 2015 lên đến 3,6 % năm 2020, tăng đến 18 lần. Trong đó, nam giới tăng 14 lần (từ 0,4% lên 5,6%) và nữ giới tăng 10 lần (từ 0,1% lên 1%).
Đáng chú ý, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi từ 13-15 sử dụng thuốc lá điện tử hiện nay đã tăng lên 3,5% thay vì mức 2,6% năm 2019. Đây là mức tăng đáng kể so với cách đây 3 năm.
Vậy tại sao việc sử dụng thuốc lá điện tử lại đang có dấu hiệu ngày càng phổ biến và trẻ hóa, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường? Nếu không có giải pháp ngăn chặn, việc thuốc lá điện tử xâm nhập học đường sẽ dẫn tới những hệ lụy nguy hiểm như thế nào?
Nguy hiểm thuốc lá điện tử xâm nhập học đường
Một phụ huynh ở Bắc Giang có con trai đang học lớp 8. Chị cho biết, ở trường nơi con chị đang học chưa ghi nhận trường hợp học sinh nào sử dụng thuốc lá điện tử. Nhưng thời gian gần đây, chị cảm thấy thực sự lo lắng khi được biết đã xảy ra không ít trường hợp học sinh phải nhập viện do hút thuốc lá điện tử. Trong khi đó, trên các trang mạng vẫn xuất hiện tràn lan các thông tin quảng cáo về loại sản phẩm độc hại này.
Không ít phụ huynh có chung nỗi lo lắng như vậy. Thuốc lá điện tử giá thành rẻ, dễ mua, nhiều hình dạng, hương thơm hấp dẫn cùng những lời quảng cáo về một kiểu hút thuốc không gây hại, sành điệu đã đánh trúng tâm lý thích thể hiện cái tôi của tuổi mới lớn. Nhiều em học sinh không biết hoặc có biết nhưng cố tình bỏ qua những khuyến cáo về những thành phần hóa chất độc hại có trong thuốc lá điện tử có thể gây ngộ độc cấp tính với người dùng.
Cách đây ít lâu, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng đã thu giữ gần 600 kg gồm cả ma túy thành phẩm và các loại nguyên liệu là hóa chất dùng để điều chế ra ma túy. Đặc biệt nguy hiểm khi các đối tượng khai nhận để qua mắt lực lượng chức năng, đã rút bỏ tinh dầu thuốc lá trong các hộp tinh dầu thuốc lá điện tử rồi bơm vào đó hóa chất chứa ma túy, sau đó tung ra thị trường thông qua mạng xã hội. Khách hàng nhắm tới chủ yếu là những thanh thiếu niên mới lớn.
Bác sĩ Nguyễn Thành Long - Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết: "Tác dụng ngắn hạn là gây ra các triệu chứng mang tính chất hưng phấn kích thích hoặc có tác dụng giảm lo âu nhưng dùng lâu dài có thể gây ra các biểu hiện lo âu trầm cảm, hoang tưởng ảo giác, gây ra các hiện tượng rối loạn cảm xúc hành vi. Những rối loạn này thường có xu hướng mãn tính và chia thành nhiều đợt khác nhau. Sau khi không dùng nữa, những rối loạn này vẫn có thể là những bệnh lý kéo dài và ảnh hưởng tới người dùng trong suốt các giai đoạn về sau".
Thuốc lá giả nhưng hậu quả để lại là thật. Thế nên, nếu như không sớm có những giải pháp ngăn chặn kịp thời, những hệ lụy do thuốc lá điện tử gây ra sẽ còn nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.
Nâng cao nhận thức về thuốc lá điện tử
Rõ ràng, thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học, làm ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, đồng thời gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế - xã hội. Việc phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử đang là vấn đề đặt ra cấp thiết.
Vậy để giải quyết vấn đề này, nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cụ thể như thế nào?
Ở TrườngTHCS Lê Quý Đôn, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, tác hại của thuốc lá điện tử thường xuyên là nội dung được đưa vào các buổi sinh hoạt lớp. Các thày cô giáo cho biết, để học sinh nói không với thuốc lá điện tử, trước hết phải giúp các em hiểu được thuốc lá điện tử là gì và nguy hại như thế nào khi sử dụng.
Các cuộc họp chuyên đề Phòng chống tác hại thuốc lá điện tử với đại diện phụ huynh học sinh các lớp cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm. Như tại một cuộc họp, các vị phụ huynh này đã nhiệt tình chia sẻ các dấu hiệu nhận biết con em mình sử dụng thuốc lá điện tử gồm:
- Bất thường về hô hấp như ho, hụt hơi, khó thở.
- Lo âu, cáu gắt, thậm chí có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm.
- Lén lút nhắn tin, trò chuyện hay những cuộc đi chơi đáng ngờ với nhóm bạn mới.
- Sử dụng những vật thể có hình dáng bất thường có những mùi hương bất thường trong nhà như mùi bạc hà, cam, chanh…
Tuy nhiên, phụ huynh cũng chia sẻ, nếu phát hiện con em mình sử dụng thuốc lá điện tử thì tốt nhất nên gần gũi nhẹ nhàng phân tích để các con hiểu được sự nguy hại khi sử dụng chứ không nên quát mắng hay dùng các biện pháp mạnh tay. Bởi các con đang tuổi trưởng thành, nếu làm như vậy sẽ rất dễ khiến các con có thêm những phản ứng tiêu cực.
Để phòng chống thuốc lá điện tử trong trường học, đại diện Bộ GĐ-ĐT cũng cho biết đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền trong nhà trường thông qua việc ban hành tài liệu hướng dẫn lồng ghép phòng chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng một số các môn học và tài liệu truyền thông về phòng ngừa thuốc lá điện tử.
Bộ cũng chỉ đạo tập huấn cán bộ giáo viên cốt cán về phòng ngừa thuốc lá điện tử trong học sinh, đồng thời tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về tác hại thuốc lá trong các trường học trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD-ĐT, về lâu dài, Bộ Y tế cần có rà soát, đánh giá và có kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để bổ sung những qui định về thuốc lá điện tử vào Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Trước mắt cần rà soát và kiên quyết ngăn chặn nguồn cung thuốc lá điện tử trên thị trường cũng như trên mạng xã hội vì khi nguồn cung dồi dào và dễ tiếp cận giới trẻ cũng rất khó cho công tác tuyên truyền.
Liên quan vấn đề này, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế cũng đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội những vấn đề về sửa đổi luật và chính sách; phối hợp với các bộ ban ngành, đặc biệt là Bộ GD-ĐT và Đoàn Thanh niên để tập trung những vấn đề truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng và giới trẻ.
Tuy nhiên, ông Khuê cho rằng cũng rất cần sự tham gia đồng bộ của các bộ ban ngành khác để có một tư duy rõ ràng mạch lạc rằng việc hút thuốc lá điện tử là một trong những nguyên nhân gây tác hại tới sức khỏe của người dân không kém như thuốc lá truyền thống hiện nay.
Đại diện các cơ quan quản lý cũng cho rằng để phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử trong môi trường học đường, vấn đề then chốt là cần phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi hút thuốc lá điện tử của học sinh, qua đó có sự phối hợp giáo dục, định hướng các em nhận thức được tác hại đối với sức khỏe và tương lai, giúp các em thay đổi hành vi theo những chuẩn mực tốt đẹp.
Nhà trường tuyên truyền, giáo dục, gia đình dạy dỗ, răn đe nhưng hơn tất cả là ý thức của từng em học sinh. Việc cầm một ống hút thuốc lá để nhả khói to ra là nguy hiểm, là người lớn với việc giữ gìn sức khỏe để tránh tổn hại não bộ, tránh suy tim, đột quỵ, việc nào quan trọng hơn, ý nghĩa hơn? Điều này không nói, chắc các em cũng biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!