Thời gian qua, tại Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ cướp có tính chất manh động. Điều đáng nói là các thủ phạm quen nhau qua các hội nhóm kín trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram…, sau đó hẹn gặp gỡ ngoài đời để rủ nhau thực hiện các hành vi phạm tội. Đây là thực trạng đáng báo động và cho thấy một mặt trái khác của mạng xã hội đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, đặc biệt của thanh thiếu niên.
Mới đây nhất là 2 đối tượng gây ra vụ cướp ngân hàng tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm. Điều đáng nói, hai đối tượng là Tùng và Hiếu quen nhau trong "Hội những người vỡ nợ thích làm liều" từ năm 2021.
Được biết, 2 đối tượng trên không phải những thành viên đầu tiên trong hội nhóm này biến những ý tưởng ảo trở thành hành vi phạm tội thật.
Những hội nhóm tiêu cực trên mạng những tưởng chỉ là những lời tán gẫu nhưng đang gây ra ảnh hưởng tâm lý với hàng ngàn, hàng chục ngàn thành viên tham gia.
Trước đó vào tháng 1, 3 nghi phạm quen biết nhau qua nhóm đã xông vào chung cư ở Linh Đàm, quận Hoàng Mai xịt hơi cay, hành hung, trói cư dân để cướp tài sản.
Khi tham gia vào những hội nhóm này, các thành viên còn thản nhiên đăng bài rao bán vũ khí, mạnh dạn kêu gọi rủ nhau làm liều. Từ những người vốn không quen biết, rồi qua mạng ảo, các đối tượng cùng nhau sai phạm và cùng nhau vào tù.
Việt Nam có Luật An ninh mạng 2018 và Nghị định số 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, nghiêm cấm các hành vi vi phạm trên môi trường số. Trong các vụ việc hình sự liên quan tới các đối tượng là thành viên trong các hội nhóm làm liều, nếu các admin hay những thành viên khác không thận trọng khi bình luận hoặc tương tác, thậm chí có trao đổi với những đối tượng phạm tội thì đều có thể bị liên đới trách nhiệm.
Khi vào những hội nhóm này, các thành viên có thể dễ dàng giãi bày câu chuyện của cá nhân mình mà không sợ bị phán xét. Đáp lại có thể là những bình luận tích cực nhưng cũng có những ý kiến tiêu cực, nếu không tỉnh táo, người đăng bài sẽ bị tác động tâm lý, dẫn đến những hành vi sai lệch.
Những hội nhóm tiêu cực trên mạng những tưởng chỉ là những lời tán gẫu nhưng đang gây ra ảnh hưởng tâm lý với hàng ngàn, hàng chục ngàn thành viên tham gia.
Vậy mới thấy, nếu không đủ tỉnh táo, những người vốn có tâm lý bất ổn lại càng dễ bị dẫn dắt cảm xúc và hành vi. Đặc biệt nếu các thành viên là những đứa trẻ, hậu quả không lường trước được. Như gần đây, nhiều vụ việc trẻ nhỏ bị lôi kéo vào những hội nhóm nhạy cảm đã trở thành nỗi lo của bố mẹ.
Rời bỏ và tẩy chay những hội nhóm tiêu cực sẽ là tấm lá chắn khỏi những tác động tâm lý không đáng có, để không trở thành nạn nhân của những hội nhóm mà sự tiêu cực hiển hiện ngay từ tên gọi.
Dẫu không thể phủ nhận những giá trị tích cực mà mạng xã hội đem lại nhưng nếu không tỉnh táo và thận trọng sẽ rất dễ gây ra phản ứng ngược. Để sớm loại bỏ các hội nhóm tiêu cực này, mỗi chúng ta khi dùng mạng xã hội có thể thể hiện quan điểm tẩy chay bằng cách báo cáo sai phạm (report) các hội nhóm này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!