Áp lực chi phí của những người độc thân

VTV Digital-Thứ tư, ngày 28/08/2024 16:39 GMT+7

VTV.vn - Độc thân có thể mang lại cảm giác thoải mái riêng, nhưng cũng đồng nghĩa với việc phải tự thân nhiều hơn trước những áp lực kinh tế.

Thông tin "xử phạt người độc thân" là sai sự thật

"Thuế độc thân", "Thu thuế người độc thân"… được nhắc đi nhắc lại trong nhiều tít báo và các trang mạng xã hội thời gian qua.

Ngay khi xuất hiện, khái niệm trên lập tức thu hút nhiều bình luận sôi nổi của người dùng mạng xã hội.

Trong hàng chục nghìn bình luận của khán giả, ngoài những câu bông đùa, nhân tiện thả thính như: "Có ai kết hợp với tôi để không bị đánh thuế không?", cũng có nhiều bình luận thể hiện nỗi trăn trở thực sự của những người còn độc thân, chủ yếu liên quan đến vấn đề kinh tế, như: "Lương thì thấp, giá nhà thì cao, đã không có tiền kết hôn rồi còn sắp bị đánh thuế nữa"; "Lương 5 triệu đồng chỉ đủ sống độc thân, mà còn bị chịu thuế nữa"…

Tất cả đều bắt đầu từ sự hiểu lầm liên quan đến một văn bản mới đây của Bộ Y tế. Cụ thể, tại công văn trả lời kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế nhắc lại một số giải pháp nhằm hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ 2 con tại Chương trình "Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt từ năm 2020. Trong đó có mục "từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn".

Đây cũng chỉ là một mục nhỏ trong nhiều những giải pháp tổng thể được đưa ra từ việc điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách; tới việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi và việc mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, các dịch vụ có liên quan.

Trong văn bản trả lời của Bộ Y tế cũng như trong Chương trình "Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" đều không có các cụm từ như "Thuế độc thân" hay "Xử phạt người độc thân"…

Theo quy định hiện nay, tại Việt Nam, kết hôn là quyền tự do của mỗi công dân, không có quy định nào bắt buộc công dân phải kết hôn. Đồng thời, pháp luật Việt Nam cũng không có bất kỳ quy định nào xử phạt người độc thân không kết hôn và cũng không có loại thuế tên là "thuế độc thân".

Chiều 27/8, Bộ Y tế cũng đã khẳng định thông tin về việc "Xử phạt người độc thân" đang được chia sẻ trên mạng xã hội là thông tin bịa đặt, sai sự thật gây hiểu lầm, hoang mang trong dư luận. Tuy nhiên, khái niệm, "Thuế độc thân" cũng đã từng được nhắc tới trên thế giới.

Theo định nghĩa được đăng tải trên tạp chí Forbes, "Thuế độc thân" nói chung ám chỉ gánh nặng tài chính mà những người độc thân phải gánh chịu, trái ngược với những người ở trong mối quan hệ hoặc đã kết hôn, tức nó bao gồm rất nhiều thứ trong cuộc sống hàng ngày như: chi phí sinh hoạt, lãi suất vay ngân hàng, mức thuế thu nhập cá nhân và phúc lợi xã hội. Như vậy cũng có nghĩa ngay trong cuộc sống bình thường đang diễn ra, trong nhiều trường hợp, người độc thân đã và đang phải trả phí nhiều hơn các cặp vợ chồng.

Áp lực chi phí của người độc thân

E ngại hoặc chưa có duyên trong chuyện hẹn hò và lập gia đình, nhiều người độc thân ở những thành phố lớn cũng tự nhận thấy mình đang phải chịu những áp lực kinh tế khi khó có thể chia sẻ những chi phí sinh hoạt nho nhỏ trong cuộc sống.

Áp lực chi phí của những người độc thân - Ảnh 1.

Nhiều người độc thân ở những thành phố lớn tự nhận thấy mình đang phải chịu những áp lực kinh tế.

Không riêng chuyện hẹn hò hoặc lập gia đình, với nhiều người trẻ, việc tìm người để ghép đôi đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng để cắt giảm những chi phí cố định thiết yếu.

Còn với chàng trai từng lập gia đình rồi đổ vỡ trong hôn nhân, sự khác biệt trong áp lực kinh tế giữa 2 thế giới độc thân và có gia đình lại càng rõ ràng: "Bây giờ ở một mình thì mình phải gồng gánh tất cả mọi thứ, chi tiêu, phải chịu trách nhiệm hết, không có người để chia sẻ, chẳng hạn như đi mua nhà hay tài sản lớn, những chính sách hỗ trợ từ ngân hàng sẽ dễ dàng hơn cho người có gia đình. Hay mua xe ô tô cũng dễ dàng hơn khi vay ngân hàng, quá trình mình trả góp cho xe thì 2 vợ chồng sẽ san sẻ với nhau".

Độc thân có thể mang lại cảm giác thoải mái riêng, nhưng cũng đồng nghĩa với việc phải tự thân nhiều hơn trước những áp lực kinh tế.

Các nước trên thế giới áp "thuế độc thân" như thế nào?

Tại sao các nước trên thế giới lại ưu tiên cho các cặp đôi, hộ gia đình? Câu trả lời là để giải bài toán già hóa dân số và tỷ lệ sinh giảm sút hiện nay. Khi tỷ lệ sinh thấp đang được xem là vấn đề khẩn cấp quốc gia, tại châu Âu, những phương án theo kiểu "thương cho roi cho vọt" đã được áp dụng. Nếu bạn lựa chọn sống một mình có thể đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận trả một cái giá cao hơn so với khi kết hôn.

Tại Bỉ, năm 2022, mức thuế đối với người lao động độc thân không có con là khoảng 53%, tuy nhiên, mức thuế đối với một công nhân đã kết hôn có hai con trung bình chỉ là là 37,8%.

Ở nhiều quốc gia khác, hóa đơn tiền tạp hóa của người độc thân cũng có thể cao hơn nhiều vì các mặt hàng được đóng gói theo khẩu phần từ 2 - 4 phần, tức là dành riêng cho các hộ gia đình mất rồi.

Tương tự như vậy, chi phí đi lại có thể tăng nhanh chóng, như tại Anh, người độc thân khó có thể tiếp cận được các khoản giảm giá như thẻ tàu Two Together.

Ocean Finance ước tính, những người độc thân phải trả thêm khoảng 200 Bảng Anh (tương đương 6,4 triệu đồng) mỗi tháng cho các hóa đơn, bao gồm cả nhà ở so với khi họ có một người lớn khác để chia sẻ chi phí. Tương tự như vậy, họ chi thêm khoảng 15 Bảng Anh cho thực phẩm và rượu, thêm 39,5 Bảng Anh cho các kỳ nghỉ và thêm 26,4 bảng Anh cho các gói đăng ký.

Tại từng quốc gia còn nhiều khoản ưu đãi cụ thể khác dành cho những cặp đôi - hộ gia đình nói chung. Sự ưu ái nhằm khuyến khích tăng tỷ lệ sinh, giải bài toán già hóa dân số. Cũng chính tại những quốc gia đang áp dụng nhiều phương án hỗ trợ cho các cặp đôi ấy, thực tế tỷ lệ sinh vẫn thấp. Bởi về mặt chi phí, chi phí khi có con = trợ cấp, phúc lợi - chi phí nuôi con - chi phí cơ hội kiếm tiền, nghề nghiệp … và tại nhiều quốc gia, phép tính này cơ bản vẫn đang mang lại cảm giác âm. Do đó, về mặt chi phí, việc khuyến khích tăng tỷ lệ sinh vẫn chưa đạt hiệu quả.

Tại Việt Nam, một số địa phương đã áp dụng chính sách thưởng tiền cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, nhưng kết quả vẫn không khả quan.

Từ năm 2022, Hậu Giang tặng giấy khen của Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi; ngoài ra, hỗ trợ một lần 1,5 triệu đồng viện phí cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, hỗ trợ một lần chi phí khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh theo giá dịch vụ y tế hiện hành tại các cơ sở y tế công lập.

Tại Tiền Giang, từ năm 2022, phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi được khen kèm hỗ trợ 1 triệu đồng. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức sinh những địa phương này chưa cải thiện. Năm 2023, mức sinh ở Tiền Giang là 1,72 (năm trước đó là 1,66); Hậu Giang nhích lên 1,52 con/phụ nữ (năm trước là 1,51).

Việc sinh đủ 2 con trong mỗi gia đình là mục tiêu không dễ dàng. Hướng đến mục tiêu này, chỉ riêng việc có những chương trình, chính sách ưu ái về mặt kinh tế cho các hộ gia đình là chưa đủ, mà trên hết sẽ cần tất cả các phần mục của Chương trình "Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" phải được triển khai hiệu quả và đồng bộ.

Thông tin “xử phạt người độc thân” là bịa đặt Thông tin “xử phạt người độc thân” là bịa đặt

VTV.vn - Bộ Y tế khẳng định, thông tin về việc Bộ Y tế "xử phạt trách nhiệm xã hội với người độc thân" là sai sự thật, cố tình xuyên tạc gây hiểu lầm, bức xúc trong xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước