Tràn làn video xấu độc dành cho trẻ em trên mạng xã hội
Câu chuyện về YouTuber Thơ Nguyễn làm clip không phù hợp với trẻ nhỏ đã khiến nhiều bậc phụ huynh cảnh giác. Đây không phải là lần đầu tiên những hình ảnh xấu độc dành cho trẻ em được phát hiện.
Dạy trẻ em "xin vía học giỏi", hướng dẫn trẻ em làm những hành động không đúng lứa tuổi hay thậm chí là dạy cách tự làm đau mình... là một trong hàng vạn những clip đang trôi nổi trên mạng và được hàng ngàn trẻ em theo dõi.
Sử dụng hình ảnh là những nhân vật quen thuộc như gấu bông, búp bê, siêu nhân, elsa để tiếp cận với các em nhỏ, không chỉ có những tài khoản trong nước mà cả tài khoản nước ngoài cũng dễ dàng được trẻ em lựa chọn. Nhưng những nội dung bên trong không phải là những clip lành mạnh mà toàn là thông tin độc hại với trẻ nhỏ. Điều này khiến cho các bậc làm cha làm mẹ phải cảnh giác và tìm cách bảo vệ con mình trên không gian mạng.
Từ mối lo phim giang hồ trên không gian mạng...
Một trong những nội dung độc hại cho trẻ em đang tràn lan trên mạng gần đây là những bộ phim có nội dung bạo lực. "Thiếu gia đi học", "Bạn trai tôi là trùm trường", "Giang hồ đi học", "Trùm trường đại chiến"... đó là những từ ngữ được đặt làm tên cho nhiều bộ phim đang được chiếu trên YouTube. Sau một thời gian, trào lưu phim của chính những giang hồ làm nhân vật chính thoái trào, thì nay, dạng phim bạo lực này lại rộ lên, lấy bối cảnh học đường.
Với chị Phượng và anh Hưng - hai giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, phản ứng của họ khi xem những bộ phim này là buồn, lắc đầu và bàng hoàng. Chính họ cũng không biết mình sẽ xử lý thế nào trong trường hợp này.
Hiện nay không khó có thể tìm ra những phim có hành động bạo lực trên YouTube và càng khó kiểm soát độ tuổi theo dõi. Chủ yếu các bộ phim đều có nội dung đuổi bắt, bạo lực với những ngôn từ không phù hợp, đặc biệt sử dụng các bối cảnh học đường khiến các em dễ có xu hướng học theo, làm theo.
Theo PGS. TS Phạm Mạnh Hà - trường Đại học Quốc gia Hà Nội: "Một nghiên cứu liên quan đến tác động của công nghệ thông tin truyền thông tới đạo đức lối sống của thanh thiếu niên đã chỉ ra rõ: nếu các bạn thanh thiếu niên sử dụng Internet từ 3 - 4 tiếng thì nguy cơ bị tác động tới rất cao. Hiện nay, tỉ lệ trẻ hóa tội phạm rất lớn. Một bộ phận giới trẻ đang học theo, làm theo một cách thụ động bởi lối sống, cách ứng xử thiếu văn hóa mà dòng phim kia mang lại. Nó là những nguy cơ hiện hữu chứ không phải nguy cơ tiềm ẩn sâu xa nữa".
Sự buông lỏng kiểm duyệt trên YouTube cùng sự dễ dãi của đám đông với những lời tung hô hời hợt sẽ tạo ra mối nguy hại ngày càng lớn.
...đến phát hoảng vì những clip về Kumanthong
Hình ảnh những búp bê Kumanthong (theo tiếng Thái Lan) hay ở Việt Nam được biết đến với tên gọi Quỷ linh nhi gần đây đang xuất hiện nhiều trên mạng xã hội hay thậm chí là trên một số trang báo.
Nữ YouTuber ôm một con búp bê giống Kumanthong, trên tay cầm chiếc vòng để "xin vía học giỏi"
Đáng chú ý, một nữ YouTuber với hàng triệu người theo dõi, đa phần trong số đó là trẻ em, đã đăng tải một số clip ghi lại cảnh cô ôm một con búp bê giống Kumanthong, trên tay cầm chiếc vòng để "xin vía học giỏi". Những video này khiến rất nhiều phụ huynh cảm thấy bức xúc vì không phù hợp với trẻ em và có dấu hiệu mê tín dị đoan.
Nhiều clip trên mạng xã hội thể hiện năng lực của loại búp bê này khiến không ít người tin tưởng rằng đây là chuyện có thật, sự thực ra sao? Búp bê Kumanthong có năng lực thực sự hay chỉ là chiêu trò "buôn thần bán thánh" được các gian thương lợi dụng những câu chuyện ma mị để trục lợi?
Niềm tin mù quáng vào bùa ngải Kumanthong: Nhìn từ câu chuyện một cô gái ở Hưng Yên
Vạch trần chiêu trò buôn thần bán thánh bằng Kumanthong
Bùa ngải Kumanthong thực chất đã tồn tại hàng trăm năm nay, bên cạnh đó là những câu chuyện rùng rợn về siêu năng lực của loại bùa ngải này cũng được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội dẫn đến tâm lý hoang mang cho người đọc, khiến cho nỗi sợ hãi lại trở thành động lực dẫn đường cho những người nuôi hay chính những người bán hàng phải tiếp tục cung phụng một chú búp bê vô tri vô giác một cách phản khoa học.
Chính mạng xã hội và những clip không có căn cứ khoa học mà năng lực của Kumanthong đã được thổi phồng lên. Cũng từ đây, cùng với sự sợ hãi, ước vọng làm giàu nhờ tâm linh của nhiều người mà Kumanthong đã trở thành một món hàng dễ buôn bán và trục lợi kiếm lời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!