Trên cả nước, từ đầu năm đến nay đã có 4.000 vụ vi phạm pháp luật hình sự, khoảng 11.000 đối tượng là các nhóm thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, đa số dưới 18 tuổi, tội phạm trong nhóm này tăng, cả ở đô thị và nông thôn. Đã có những sự việc giết người, cướp của từ những hội nhóm này.
Điều đáng nói các vụ vi phạm ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, những hành vi này không chỉ xuất phát từ sự bồng bột, thiếu hiểu biết mà trước khi gây án, các đối tượng đều có động cơ phạm tội, thủ đoạn thực hiện được tính toán kỹ lưỡng, thậm chí hình thành các băng nhóm.
Tụ tập thành từng nhóm, điều khiển xe mô tô chạy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng….đặc biệt có nhóm còn mang theo hung khí như dao, ống tuýp sắt gắn lưỡi phóng lợn…rượt đuổi, đánh nhau trên các tuyến phố…Tình trạng này xảy ra ngày càng phức tạp ở nhiều địa phương. Các đối tượng phạm tội thường ở độ tuổi học sinh cấp 2 và cấp 3, nhiều trường hợp đã bỏ học, kết thành bè nhóm vi phạm pháp luật.
Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật mà đối tượng là trẻ chưa thành niên.
Việc tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội với những hành vi tiêu cực cũng dẫn tới việc một số thanh thiếu niên bị lôi kéo, rủ nhau tham gia các vụ việc vi phạm pháp luật. Có những trường hợp, khi bị bạn rủ rê đi đánh nhau, mặc dù không có mâu thuẫn với bất cứ ai nhưng vẫn tham gia chỉ vì lo sợ bạn không còn chơi với mình.
Quy mô, tính chất phạm tội của thanh thiếu niên ngày càng nghiêm trọng. Đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn và không cần mâu thuẫn vẫn đánh nhau. Chỉ cần một thông tin trên mạng xã hội, một tin nhắn hay cú điện thoại, các đối tượng đã tụ tập hàng chục người để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Con tôi ở nhà ngoan lắm….đó có thể là câu nói của các bậc phụ huynh khi được lực lượng chức năng gọi điện thông báo về hành vi phạm tội của con cái mình. Ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì bản thân mỗi gia đình, thiết nghĩ cần quan tâm đến thời gian học hành, sinh hoạt của con cái mình nhiều hơn. Lứa tuổi chưa thành niên, cũng là lúc những tâm tư, tình cảm nảy sinh, tin và nghe theo bạn bè, "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng", nếu gần bạn bè xấu, dù môi trường thực tế hay môi trường mạng xã hội mà không kịp điều chỉnh, uốn nắn thì trẻ sẽ dễ mắc những sai lầm không đáng có, và ảnh hưởng đến cả một tương lai…ở phía trước.
Cùng trao đổi về vấn đề này tại trường quay chương trình Vấn đề hôm nay với Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!