Cứ mỗi dịp cận Tết, số người bị tai nạn do pháo nổ tự chế lại tăng cao, và năm nay tình hình càng đáng báo động hơn với xu hướng gia tăng nhanh chóng. Chỉ trong vài tuần vừa qua, khi chỉ hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, cả nước đã ghi nhận hàng chục vụ tai nạn. Những vụ nổ không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, mà còn để lại di chứng nặng nề về tâm lý và gánh nặng tài chính cho nạn nhân cùng gia đình.
Hiện trường vụ nổ pháo tự chế ở Bắc Giang
"Công tác tuyên truyền, giáo dục, đặc biệt đối với học sinh và sinh viên cực kỳ quan trọng bởi phần lớn các đối tượng vi phạm nằm trong độ tuổi từ 12 đến 17. Các đối tượng này thường giao tiếp qua mạng xã hội, chia sẻ cách làm và phối hợp cùng thực hiện. Hiếm khi xảy ra trường hợp một người tự chế pháo, mà thường có sự tham gia của từ hai đến ba người trở lên. Hậu quả của những vụ việc này vô cùng đau lòng và nghiêm trọng", Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết.
Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an chia sẻ thông tin về tình hình người dân tự chế pháo nổ trong thời gian gần đây
Theo Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, việc ngăn chặn pháo tự chế ngay từ đầu là rất khó khăn bởi nguyên liệu để chế tạo pháo rất dễ kiếm, chủ yếu là các hóa chất và vật tư lưỡng dụng được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày. Những nguyên liệu này có thể mua bán hợp pháp và khó kiểm soát. Chẳng hạn, lưu huỳnh dùng trong công nghiệp, phân bón, than hoặc bột than là những thứ không thể cấm đoán hoàn toàn. Khi các thành phần này được trộn lại để tạo thành thuốc pháo – một loại vật liệu nổ bị pháp luật nghiêm cấm, mới cấu thành hành vi vi phạm. Nhưng khi còn ở dạng riêng lẻ, chúng không nằm trong danh mục bị quản lý chặt chẽ. Thứ hai, sự tò mò và ham muốn tìm hiểu của các em, đặc biệt là thanh thiếu niên, dễ bị kích thích bởi các nội dung trên không gian mạng. Các nền tảng như YouTube, Facebook, hoặc Zalo có thể chứa nhiều video hướng dẫn cách làm pháo tự chế. Thậm chí, các em còn tạo nhóm kín để chia sẻ, hướng dẫn và thách thức nhau thực hiện.
Chỉ cần lên YouTube, Facebook, hoặc TikTok, nhập từ khóa "hướng dẫn tự chế pháo nổ," người dùng có thể tìm thấy hàng nghìn video hướng dẫn chi tiết cách trộn hóa chất để chế tạo pháo nổ. Nhiều video còn kèm theo hình ảnh đốt pháo tự chế để minh chứng hiệu quả, nhằm thuyết phục người mua hàng. Nguyên liệu để chế tạo pháo cũng được rao bán trực tuyến và giao tận nhà nên rất khó phát hiện và kiểm soát.
Một đối tượng mua phân bón lưu huỳnh, bột than, và thuốc cháy chậm với giá hơn 100.000 đồng/kg rồi pha trộn các chất hóa học theo tỷ lệ được học trên mạng để tạo thành thuốc pháo rồi bán với giá 50 – 60.000 đồng/quả pháo.
Cũng theo Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, từ các năm trước, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, trong đó có Cục An ninh mạng, vào cuộc để bóc gỡ các đường link liên quan đến hướng dẫn chế tạo pháo nổ trái phép. Tuy nhiên, dù có gỡ bỏ, nội dung mới vẫn liên tục xuất hiện. Sau khi các clip công khai bị xóa, các đối tượng lại chuyển sang lập các nhóm kín, chẳng hạn như nhóm "Pháo tự chế 2025" hoặc các nhóm hoạt động theo vùng miền, để tiếp tục trao đổi và hướng dẫn.
"Cơ quan chức năng cần nhanh chóng phát hiện, xử lý các đối tượng đứng sau những trang mạng tuyên truyền và phải gỡ bỏ các nội dung vi phạm theo quy định pháp luật. Bên cạnh việc bóc gỡ đường link, cần triển khai các biện pháp toàn diện hơn để ngăn chặn triệt để hoạt động hướng dẫn sản xuất pháo tự chế trên không gian mạng", Thiếu tướng Phùng Đức Thắng nhấn mạnh.
Hiện nay, trên nhiều trang mạng, bao gồm cả các nền tảng thương mại điện tử, xuất hiện tình trạng bán các bộ phận phục vụ cho việc chế tạo pháo dưới dạng trá hình. Những sản phẩm này thường được quảng cáo với mục đích trang trí, nhưng thực tế lại có thể được sử dụng để chế tạo pháo. Ngoài ra, ngòi pháo cũng thường được ngụy trang dưới hình thức những loại dây buộc dùng để tạo cảnh cho cây cảnh hoặc với những lý do khác nhằm đánh lừa sự kiểm soát. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho những đối tượng có ý định sản xuất pháo tự chế dễ dàng mua các nguyên liệu thông qua các trang thương mại điện tử.
Chỉ cần lên YouTube, Facebook, hoặc TikTok, nhập từ khóa "hướng dẫn tự chế pháo nổ," người dùng có thể tìm thấy hàng nghìn video hướng dẫn chi tiết cách trộn hóa chất để chế tạo pháo nổ
Thiếu tướng Phùng Đức Thắng cho rằng: "Việc ngăn chặn hành vi buôn bán các vật liệu lưỡng dụng có thể bị lợi dụng để chế tạo pháo là một thách thức lớn. Hiện tại, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt nhắm đến các đơn vị sản xuất và kinh doanh các loại nguyên liệu này. Pháp luật không cấm buôn bán các mặt hàng hợp pháp, và người bán không trực tiếp bán nguyên liệu để chế tạo pháo, mà các đối tượng mua về lợi dụng để sản xuất pháo. Hai hành vi này khác nhau rõ rệt. Việc vi phạm chỉ xảy ra khi các nguyên liệu được sử dụng để chế tạo pháo, và điều này thường chỉ được phát hiện sau khi quá trình chế tạo đã hoàn tất".
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, người sản xuất pháo tự chế trên 6kg sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 190 về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. Với các trường hợp dưới 6kg, sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các đối tượng vi phạm đa phần là học sinh, hầu hết dưới 16 tuổi.
"Các đối tượng từ 14 đến dưới 16 tuổi sẽ bị xử lý hành chính, và các chế tài xử lý hành chính vẫn được áp dụng. Tuy nhiên, đối với những trường hợp dưới 14 tuổi, hình thức xử lý chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo, không áp dụng phạt tiền. Đối với những người từ 16 đến 18 tuổi, có thể bị xử phạt hành chính, với mức phạt lên đến 50% theo quy định", Thiếu tướng Phùng Đức Thắng cho biết thêm.
Thiếu tướng Phùng Đức Thắng đưa ra khuyến cáo khi tự chế thuốc pháo mà không có trình độ hay kinh nghiệm, nguy cơ tai nạn là cực kỳ cao. Nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh trong thời gian các em học tập tại trường, đồng thời phối hợp chặt chẽ với gia đình để quản lý, giám sát. Phụ huynh cần chú ý đến những dấu hiệu bất thường của con em mình khi ở nhà, để kịp thời thông báo cho lực lượng chức năng để kiểm tra, xử lý, và ngăn chặn hiệu quả, tránh những hậu quả đáng tiếc. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cần được thực hiện trực tiếp, đặc biệt là tập trung tuyên truyền cá biệt đến những đối tượng có nguy cơ cao.
Tang vật thu được từ các vụ việc học sinh tham gia chế tạo pháo nổ
Bên ngoài những quả pháo tự chế được bọc bởi vở, sách giáo khoa, và những nét bút học trò. Nhưng bên trong lại chứa đựng một hỗn hợp chất nổ chết người. Còn gì đau lòng hơn khi các em vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân, trong khi ngày càng có nhiều mối nguy mới, phức tạp và khó lường. Các em học sinh, với sự tò mò, hiếu động và nhận thức còn hạn chế, dễ dàng rơi vào cạm bẫy nguy hiểm. Vì vậy, gia đình và nhà trường đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục, quản lý, phòng ngừa và sớm phát hiện những nguy cơ vi phạm pháp luật từ con em mình. Mỗi sự quan tâm, mỗi lời nhắc nhở kịp thời từ cha mẹ và thầy cô hôm nay có thể cứu lấy những sinh mạng quý giá vào ngày mai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!