Bị phạt tiền cao kèm theo giữ bằng lái xe, nhưng vi phạm nồng độ cồn vẫn là một trong những hành vi vi phạm an toàn giao thông phổ biến nhất hiện nay. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng thường xuyên tổ chức tuần tra, đo nồng độ cồn nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Tại một trong những dãy phố ẩm thực về đêm ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ô tô, xe máy chật kín trước quán. Đó là phương tiện của thực khách khi đến đây. Khi bước chân vào quán, những cuộc vui kéo dài bên bia rượu.
Không ít người đã đặt câu hỏi đến quán bằng ô tô, xe máy, còn lúc trở về, khi trong người đã có rượu bia, liệu rằng có phải ai cũng tuân thủ quy định đã uống rượu bia thì không lái xe?
Một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 người chết, 8 người bị thương, xảy ra hồi giữa tháng 7 vừa qua trên tuyến quốc lộ 1 ngang qua huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ô tô tải tông vào đuôi ô tô khách đi cùng chiều. Sau vụ tai nạn, qua kiểm tra, xác định tài xế xe tải có nồng độ cồn trong máu.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết có liên quan rượu bia. Thống kê cũng cho thấy, trong số 100 nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia thì độ tuổi từ 15 - 29 chiếm gần 60%. Người trẻ uống rượu bia thiếu kiểm soát, điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia là thực tế nổi cộm.
Tại một chốt kiểm tra vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, khá nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện, qua kiểm tra đã xác định nồng độ cồn ở mức cao. Vậy nên, nếu không ngăn chặn kịp thời, rủi ro khó mà lường hết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!