Bạo lực học đường: Nhà trường cần ngăn chặn ngay từ đầu

Thanh Hải-Thứ năm, ngày 20/04/2023 21:29 GMT+7

VTV.vn - Ngăn chặn những hành vi bạo lực ngay từ khi bắt đầu là cách nhiều trường giải quyết các nhiều vụ việc.

Câu chuyện đau lòng về việc một nữ sinh lớp 10 phải tự vẫn vì nghi do bạo lực học đường đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các phụ huynh và nhà trường về sự nguy hiểm của bạo lực học đường, khi mâu thuẫn không được hóa giải kịp thời. Thực tế hiện nay, bạo lực học đường đang diễn ra ở nhiều hình thức khác nhau, khiến cho nạn nhân là các em học sinh phải chịu nhiều áp lực về cả thể chất lẫn tâm lý.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều vụ việc cho thấy, nếu phát hiện và giải quyết ngay từ đầu thì sự việc sẽ không diễn tiến trầm trọng và không gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Vì không giao nộp điện thoại theo yêu cầu, một nam học sinh lớp 11 ở quận 12, TP Hồ Chí Minh đã bị cô giáo dùng tay đánh mạnh vào đầu ngay giữa lớp.

Sự việc này đã gây bức xúc trong học sinh và phụ huynh. Nhiều học sinh và phụ huynh đã gửi đơn khiếu nại tới Ban giám hiệu nhà trường phản đối việc giáo viên là Chủ tịch công đoàn của nhà trường lại dùng bạo lực với học sinh.

Ngay sau khi có phản ánh, Ban giám hiệu trường đã họp rút kinh nghiệm, đồng thời đổi giáo viên khác tránh để mâu thuẫn kéo dài.

Bạo lực học đường: Nhà trường cần ngăn chặn ngay từ đầu - Ảnh 1.

Bạo lực học đường khiến học sinh sợ hãi khi đến trường. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

"Chúng tôi đã thay đổi một giáo viên bộ môn khác, chính là cô giáo tổ trưởng chuyên môn sẽ trực tiếp phụ trách lớp này. Chúng tôi cũng sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc quản lý giáo viên, lắng nghe thấu hiểu học sinh để từ đó chúng ta có những phương pháp giáo dục tốt hơn trong thời gian tới", ông Hoàng Công Trữ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh, quận 12, TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Ngăn chặn những hành vi bạo lực ngay từ khi bắt đầu, đó là cách nhiều trường giải quyết các nhiều vụ việc.

Tại Trường THPT Trần Nhân Tông ở quận Bình Tân, việc một nhóm nữ sinh trong ký túc xá đánh nhau đã từng xảy ra. Ban giám hiệu trường cũng mời các chuyên gia tâm lý và pháp lý đến hướng dẫn cho học sinh cách hóa giải mâu thuẫn nhỏ và hiểu rõ bạo lực học đường có thể bị khởi tố hình sự.

"Chúng tôi muốn chuyển tải quy định pháp luật trong ngành giáo dục đối với xử lý các em giải quyết những mâu thuẫn bằng bạo lực. Nhà trường thấy được trách nhiệm của mình để làm sao có những kế hoạch xây dựng kỹ năng mềm, giáo dục các em xây dựng một tình bạn tốt hơn trong học đường", Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cho hay.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều mô hình chống bạo lực học đường đã được các trường tổ chức để giải quyết ngay những khúc mắc, khó khăn của học sinh.

Tuy nhiên, theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, mô hình nào không quan trọng, mà quan trọng là sự quan tâm, sát sao của những người có trách nhiệm.

Cũng nhờ sự sát sao với học sinh, suốt thời gian qua, ngôi trường này chưa từng xảy ra tình trạng bạo lực học đường. Mô hình "ban tư vấn học đường 24/7" sẵn sàng lắng nghe và giải quyết nhanh những phản ánh của học sinh.

Nghệ An: Tạm đình chỉ giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh tự tử nghi do bạo lực học đường Nghệ An: Tạm đình chỉ giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh tự tử nghi do bạo lực học đường

VTV.vn - Trường Trung học Phổ thông Chuyên Đại học Vinh cũng đã cử giáo viên khác thay cô Hà làm chủ nhiệm lớp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước