Ước tính mỗi năm có hơn 50 triệu con chim nước thuộc 550 loài chim di cư theo tuyến đường bay Đông Á - Úc Châu, di trú từ phương Bắc đến các vùng đất ngập nước ở phía Nam. Trong đó, khoảng 101 loài đã được ghi nhận đến và trú đông ở các bãi triều, vùng đất ngập nước khu vực châu thổ sông Hồng của Việt Nam. Để tăng cường bảo vệ các loài này, đại diện các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và các tổ chức quốc tế đã tổ chức Hội thảo Nâng cao nhận thức, bảo tồn các loài chim di cư.
Tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh, tình trạng săn bắt, bẫy bắt, tiêu thụ quá mức các loài chim hoang dã vẫn còn. Việc thực thi pháp luật chưa nghiêm là nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm số lượng các loài di cư, quý hiếm. Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng là vùng đất ngập nước có tính đa dạng sinh học cao, lưu giữ nhiều nguồn gen quý, hiếm của Việt Nam. Vì vậy cần tăng cường công tác tuần tra, giám sát, kiểm đếm và truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng và thực thi pháp luật theo Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ.
Mùa chim di cư năm nay, tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy, vùng lõi quan trọng nhất, đại diện về đa dạng sinh học và quần thể chim nước khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng đã ghi nhận hàng nghìn con chim nước, trong đó phát hiện nhiều loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam như Rẽ mỏ thìa, Choắt lớn mỏ vàng và Vịt đầu đen.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!