Là một con phố nhỏ hình thành từ thời nhà Lê thuộc thôn Yên Nội, Tổng Tiên Túc (sau đổi là Tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương (nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Phố Hàng Thiếc bắt đầu từ phố Thuốc Bắc đến phố Hàng Nón, dài vỏn vẹn 136m. Dân trong phố là những người làng Đan Hội (Đan Phượng), Khương Trung, Khương Hạ (Thanh Xuân), Nguyên Bì (Thường Tín), Phú Thứ, Canh Diễn (Từ Liêm) đến đây lập nghiệp bằng nghề đúc thiếc.
Đình Hàng Thiếc nằm sâu trong ngõ 2, phố Hàng Nón. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Sản phẩm của họ là những cây đèn thắp bằng dầu lạc, cây nến, lư hương, khay đựng chén, bình đựng chè, chóp nón… được đúc bằng thiếc thật gọn gàng, xinh xắn, chắc chắn không bị vỡ khi va đập, đánh rơi như những đồ sứ. Con phố nhỏ mang tên nghề thủ công phố Hàng Thiếc bắt đầu từ đó.
Ông tổ của phố nghề này là người họ Đỗ quê Đan Hội (Đan Phượng) – ông từng sang Trung Quốc học nghề đúc thiếc. Về nước, ông tiếp tục làm nghề và dạy dân trong phố. Nhớ ơn ông, người dân Yên Nội lập đình thờ ông ở số nhà 2 phố Hàng Nón tên gọi: Đình Đông Thổ Cổn Y.
Vốn là nơi thờ ông tổ hàng nghề, nhưng giờ chỉ là phế tích với ban thờ nhỏ. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Theo những người dân trên phố Hàng Thiếc chia sẻ, những mặt hàng bày bán trên phố hiện nay chủ yếu sản xuất ở thôn Phú Thứ, phường Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ngoài ra, trên phố còn nhiều hộ gia đình vừa sản xuất vừa kinh doanh với số lượng nhỏ, sản xuất đơn chiếc.
Thậm chí, để phục vụ thị trường, các hộ kinh doanh trên phố Hàng Thiếc phải nhập thêm những mặt hàng khác để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Không chỉ đứng trước nguy cơ mai một nghề truyền thống như các làng nghề thủ công khác, hiện nay người dân phố Hàng Thiếc vẫn đau đáu việc khôi phục lại nhà thờ ông tổ nghề.
Ban thờ này được người dân nơi đây gọi là ban thờ Ông Hổ. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, hiện nay, đình nằm sâu trong con ngõ nhỏ chỉ vừa 1 người qua. Đình chỉ còn một ban thờ nhỏ dưới gốc đa cổ thụ được bao quanh bởi nhà của hơn hai chục hộ dân. Điều duy nhất để xác định đình Hàng Thiếc tại địa chỉ số 2 phố Hàng Nón là bức hoành phi 4 chữ "Đông Thổ Cổn Y".
Giờ đây, trong ngõ 2, Hàng Nón chỉ còn 1 gốc đa vời những sợi dây điện chằng chịt treo trên cành. Ảnh: Nguyễn Xuyến
Vốn là người Hàng Thiếc, ông Nguyễn Bình kể, trước năm 1954, khu vực Hàng Thiếc, Hàng Nón từng là nơi bị chiến tranh tàn phá. Sau chiến thắng 1954, những nhà bị chiến tranh tàn phá đều được xây dựng lại hay sửa chữa.
"Thời gian đầu, khu vực Đình Hàng Thiếc là kho cho nhà nước, sau này là trường học và hiện nay là nơi sinh sống của hơn 20 hộ dân mà chủ yếu là người từ nơi khác đến. Ban thờ dưới gốc đa bây giờ cũng do người dân ngõ lập và mỗi dịp lễ, Tết người dân đến thắp hương chứ cũng không biết ngày giỗ tổ nghề là ngày nào", ông Bình chia sẻ.
Cũng theo ông Bình, đã nhiều lần người dân Hàng Thiếc muốn khôi phục lại đình thờ tổ nghề nhưng không thể khôi phục vì đây đang là nơi sinh sống của hơn 20 hộ dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!