Bẫy "chim mồi" từ các hội nhóm lừa đảo trên Telegram
Telegram là một ứng dụng quốc tế có khả năng bảo mật rất cao nhưng đang bị nhiều đối tượng lừa đảo tận dụng, giăng bẫy người dùng Việt Nam.
Cách thức phổ biến là đưa nạn nhân vào các nhóm bí mật trên Telegram với "nhiều người cùng cảnh ngộ" để lừa số tiền từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng dù các chiêu lừa không hề mới như phỏng vấn xin việc, làm nhiệm vụ, mời gọi đầu tư chứng khoán, làm việc từ xa.
Một nạn nhân cho biết, sự bàng hoàng và sợ hãi của chị sau khi bị lừa đến giờ vẫn chưa hết. Ở nhà làm nội trợ và nuôi 2 con nhỏ, khi thấy đường link giới thiệu có thể xin việc làm tại nhà của công ty may có tiếng, chị đã truy cập. Đối tượng hướng dẫn chị lập tài khoản và tham gia vào nhóm Telegram.
Không cọc, không đóng phí, đối tượng hướng dẫn chị chỉ cần tương tác với công ty may này và nhận tiền thưởng. Chị được nhận hơn 100.000 đồng tiền thưởng ban đầu. Đối tượng nói chị cần nộp 800.000 để tham gia nhóm nhận hoa hồng cao hơn. Sau khi chị chuyển tiền, đối tượng liên tục yêu cầu chị chuyển nhiều lần khác với nhiều lý do. Tin lời kẻ xấu, chị đã chuyển tổng cộng gần 200 triệu đồng.
Những hội nhóm có thể có tới hàng chục đến hàng trăm thành viên mà theo điều tra của công an đều có vai trò của những đối tượng lừa đảo. Đối tượng có thể chủ động nhắn tin gọi điện nói với người tham gia rằng họ cũng chỉ là người dân bình thường nhưng nhờ tham gia các hội nhóm nên đã được thu nhập có thể lên tới vài trăm triệu đồng sau vài tuần. Nhiều người tin theo và nhanh chóng chuyển tiền.
Một nạn nhân khác của sàn giao dịch chứng khoán giả mạo bị mất hơn 1 tỷ đồng. Các mã chứng khoán là thật, số tài khoản ngân hàng là thật nhưng theo điều tra đây đều là công ty ma không hoạt động.
Đối tượng chỉ tìm cách dẫn người chơi đến các nhóm Telegram. Người chơi ban đầu thắng một số tiền, đối tượng yêu cầu phải đóng % trên số tiền thắng để rút tiền và rất nhiều lý do như cần phải đóng thuế, báo lỗi hệ thống để thuyết phục người chơi nộp thêm tiền.
Theo lực lượng an ninh mạng, trong nhiều vụ án, khi nạn nhân không còn khả năng vay mượn mới biết mình đã bị lừa.
Ứng dụng này cho phép người gửi xóa được hết các tin nhắn trò chuyện của cả người nhận, trong khi các ứng dụng khác chỉ xóa được ở phía người gửi. Lợi dụng kẽ hở này, đối tượng sẽ đổi tên tài khoản thường xuyên, thay đổi cả ảnh đại diện để nhắn tin với nạn nhân. Với mỗi lần đổi tên và xóa tin nhắn như thế, nạn nhân dù đã từng nhắn tin với đối tượng cũng không biết, cứ ngỡ đang nhắn tin với một người khác.
Lừa đảo trên ứng dụng đầu tư giả mạo
Mới đây, một người dân đã mất 16 tỷ đồng khi bị dẫn dụ tham gia đầu tư chứng khoán qua "quỹ đầu tư SeQuoia VIệt Nam". Người dân nhận thông báo lãi hơn 30 tỷ đồng nhưng để rút được tiền thì phải nộp thêm phí, thuế thu nhập...
Theo điều tra, từ những ứng dụng trên mạng xã hội trong đó có Telegram, người dân được đối tượng hướng dẫn cài những ứng dụng, trang web giả mạo với những kịch bản được giăng sẵn đề lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Từ ứng dụng trên điện thoại có tên "Smart SCV", người dân được hướng dẫn nạp tiền để chơi cổ phiếu. Một trang web với các mã chứng khoán từ vàng, dầu thô, ngoại tệ, đến tiền ảo. Một hội nhóm trên Zalo được thiết lập với hàng trăm thành viên. Từ đây dẫn đến những lớp học online, một người tự xưng là "thầy" hướng dẫn vừa đọc lệnh, tư vấn mã hiệu quả.
Đối tượng thường xuyên nhắn tin động viên người chơi "ở hiền gặp lành" "mạnh tay nạp tiền". Ở những giao dịch đầu tiên, người chơi sẽ thắng và rút được tiền, từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
Người chơi tiếp tục nạp tiền và tiếp tục thắng nhưng khi muốn rút tiền, đối tượng đưa ra các lý do chưa rút được, yêu cầu người chơi nạp thêm tiền.
Một sàn giao dịch chứng khoán khác với số người bị hại là hàng chục người có tên Carlyle. Người chơi được hướng dẫn vào nhóm Telegram, một người xưng trợ lý, tư vấn nạp càng nhiều tiền lợi nhuận càng cao thậm chí có thể trên 50%.
Các trang web được thiết kế giống các sàn quốc tế, có các bài báo quảng cáo đây là thị trường đầu tư chứng khoán hợp pháp quốc tế, người chơi được cam kết rút tiền nhanh. Có rất nhiều biên lai người chơi đã rút được số tiền vài tỷ đồng được chia sẻ trên nhóm thế nhưng thực chất đều là biên lai giả mạo. Người dân càng chuyển tiền đối tượng càng nghĩ ra các lý do để người dân nạp thêm tiền.
Hàng loạt biên lai chuyển tiền chỉ trong vài ngày với số tiền gần 4 tỷ đồng. Nhiều người không hiểu vì sao người dân lại tin và chuyển nhiều tiền như vậy cho những người mà mình còn chưa gặp. Một trong những lý do là những số tài khoản này có tên của công ty nên người dân đã tin. Nhưng công an xác minh những số tài khoản và địa chỉ đều của những công ty "ma", thành lập mà không hoạt động.
Theo lực lượng an ninh mạng Công an Thành phố Hà Nội, khi người dân chuyển tiền, đối tượng tiếp tục chuyển lòng vòng sang rất nhiều tài khoản khác nhau, để che giấu dòng tiền và gây khó khăn cho điều tra truy vết.
Các tài khoản đều do đối tượng thực hiện việc mua bán tài khoản. Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân, các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư tài chính, tuyệt đối không tin vào những cam kết "chắc thắng" khi đầu tư.
Telegram - Nơi tội phạm mạng lộng hành
Có một điểm chung trong những vụ việc trên là các đối tượng sẽ hướng đến ứng dụng cuối là Telegram. Ứng dụng này được chọn bởi tính ẩn danh và xóa dấu vết cao hơn hẳn.
Telegram cho phép người gửi xóa được hết các tin nhắn trò chuyện của cả người nhận, trong khi các ứng dụng khác chỉ xóa được ở phía người gửi. Lợi dụng kẽ hở này, kẻ gian sẽ đổi tên tài khoản Telegram thường xuyên, đồng thời thay đổi cả ảnh đại diện để trò chuyện với nạn nhân. Cứ sau mỗi lần lừa thành công hoặc kết thúc một phiên trò chuyện, đối tượng lại đổi tên, ảnh đại diện khác để tiếp tục đi lừa, nên rất khó xác định.
Bên cạnh đó, trên một ứng dụng Telegram có thể chuyển đổi giữa các tài khoản khác nhau dễ dàng, nhanh chóng (trong khi các ứng dụng khác phải mất thời gian). Điều này giúp đối tượng có thể tạo ra nhiều tài khoản bằng nhiều số điện thoại, rồi đóng vai nhiều người tiếp cận, cùng lừa đảo nạn nhân.
Cảnh giác với kịch bản lừa đảo trên mạng xã hội
Những đối tượng lừa đảo trên không gian mạng xây dựng rất nhiều kịch bản và không ngừng có những kịch bản mới. Công an Thành phố Hà Nội cho biết đã có rất nhiều cảnh báo, tuyên truyền nhưng người dân vẫn sập bẫy.
Từ hàng loạt những sự việc gần đây cho thấy dù là bẫy việc nhẹ lương cao trên mạng, đầu tư chỉ thắng không thua, các đối tượng đều có kịch bản chung.
Có nhiều nhóm đối tượng tội phạm lừa đảo. Mỗi nhóm chia các vai trò khác nhau như nhóm tiếp cận người dân, nhóm tư vấn viên, nhóm tác động để bị hại chuyển tiền.
Công thức chung là không gọi video, tuyển dụng qua Zalo, yêu cầu tải app Telegram, bắt nộp tiền trước, mua hàng làm nhiệm vụ - tất cả đều là hành vi lừa đảo.
Việc điều tra truy vết các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn do máy chủ đều ở nước ngoài, các đối tượng chủ yếu hoạt động ở nước ngoài. Đa phần người Việt Nam làm thuê dưới sự điều hành của các đối tượng tội phạm nước ngoài. Các sim số điện thoại đối tượng sử dụng là sim rác, không chính chủ, các tài khoản ngân hàng cũng được đối tượng mua lại. Do đó, việc truy hồi tài sản cho người dân là rất khó khăn. Theo lực lượng công an, thủ đoạn của bọn lừa đảo không mới, chỉ có "câu chuyện lừa đảo mới".
Kịch bản của các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi, thậm chí dùng nhiều biện pháp để thao túng tâm lý nạn nhân. Theo cơ quan công an, mọi hành vi đều nhằm mục đích dẫn dụ nạn nhân đến 1 trong 3 dấu hiệu sau đây mà người dân cần hết sức cảnh giác, đó là:
- Yêu cầu chuyển tiền.
- Cung cấp thông tin cá nhân như CCCD, số tài khoản ngân hàng…
- Yêu cầu truy cập đường link hay đăng nhập ứng dụng giả mạo.
Để tránh bị dẫn dụ đến các hội nhóm lừa đảo trên các nền tảng mạng xã hội như Telegram, người dân cần lưu ý mọi cách kiếm tiền dễ dàng trên mạng đều là lừa đảo.
Khi người thân dùng mạng xã hội gọi mượn tiền thì cần gọi điện thoại cho chính người thân để kiểm chứng (và nên gọi điện không sử dụng các ứng dụng hoặc mạng xã hội bởi công nghệ có thể làm giả giọng nói, giả mặt), đồng thời không cung cấp số thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!