Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật dựng thẳng dương vật và tạo hình lỗ tiểu. Ảnh BVĐK Tâm Anh.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thế Trường, Phó khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 5, bệnh viện ghi nhận số lượng ca khám và điều trị các bất thường đường tiểu tăng 30% so với các tháng trước. Một trong những trường hợp điển hình là bé Hoàng (10 tuổi, Tuyên Quang) bị dị tật lỗ tiểu thấp.
Mẹ bé Hoàng chia sẻ, cách đây 5-6 năm, gia đình đưa con đi khám do bị ngứa đỏ vùng sinh dục, đi tiểu gây xót, vết đỏ ngứa ngày càng lan rộng. Dương vật uốn cong khiến con gặp khó khăn khi đi tiểu, thường phải tiểu ngồi. Bác sĩ phát hiện bé bị lỗ tiểu lệch thấp ở gốc bìu, một thể bệnh khó nên nhiều bệnh viện từ chối điều trị do tiên lượng tỉ lệ thành công không cao.
Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Quang Trung chia sẻ, bé Hoàng thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh vào đầu tháng 4 / 2023. Kết quả xét nghiệm và chẩn đoán cho thấy, bé bị suy sinh dục, viêm da bìu và dị tật lỗ tiểu lệch thấp nằm ở gốc bìu, một trong những thể khó nhất của dị tật bẩm sinh đường tiểu.
Tiến sĩ Nguyễn Thế Trường thăm khám cho người bệnh tại Khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học. Ảnh BVĐK Tâm Anh.
Sau khi điều trị viêm da bìu cho bé Hoàng, các bác sĩ thực hiện phẫu thuật dựng thẳng dương vật và tạo hình niệu đạo, tiếp đó đưa lỗ tiểu về đỉnh quy đầu kết hợp dẫn lưu bàng quang để bảo vệ niệu đạo mới. Việc phẫu thuật hoàn thành khi bác sĩ chuyển vạt da che phủ để hình thể dương vật trở lại bình thường. Người bệnh bị suy sinh dục kèm theo dương vật nhỏ, lún, lỗ tiểu ở gốc bìu tăng độ khó cho cuộc mổ. Ca phẫu thuật thành công nhờ các kỹ thuật vi phẫu với nhiều bước phức tạp, cần sự chính xác tuyệt đối được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia dày dặn kinh nghiệm dưới sự hỗ trợ của thiết bị hiện đại.
Thạc sĩ Trung nhận định, tỷ lệ phẫu thuật lần 2, lần 3 khoảng 20-30% do các biến chứng rò niệu đạo, hẹp niệu đạo hoặc nhiễm trùng hoại tử phần da tạo hình niệu đạo. Vì vậy người bệnh được chăm sóc vết mổ và theo dõi sức khỏe tại bệnh viện trong 2 tuần. Sau 1 tháng kể từ khi xuất viện có thể trở lại các hoạt động thể dục, sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh lý lỗ tiểu lệch thấp đa dạng các thể, từ bệnh lý đơn độc đến kết hợp các dị tật bẩm sinh khác như tinh hoàn ẩn, tình hoàn lạc chỗ, thoát vị bẹn… Bất thường trong cấu tạo lỗ tiểu khiến tia nước tiểu không thẳng về phía trước mà lệch xuống dưới hoặc phía sau.
Bác sĩ Trung lưu ý, phẫu thuật tạo hình dương vật là phương pháp tối ưu trong điều trị các bất thường đường tiểu. Phẫu thuật càng sớm thì càng ít ảnh hưởng đến tâm sinh lý cũng như khả năng sinh sản của bé sau này. Phẫu thuật thường được chỉ định trước tuổi đi học để tránh ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Thậm chí các bé có thể được can thiệp tạo hình ngay từ khi 1-2 tuổi nếu đảm bảo quá trình gây mê cũng như dương vật đủ to và da bao quy đầu đủ dài để tạo hình thành niệu đạo. Lúc này các tổ chức ở dương vật mềm, đàn hồi tốt, ít xơ, nhanh lành vết thương.
Dương vật nhỏ do ảnh hưởng của suy sinh dục gây lún, viêm như trường hợp của bé Hoàng thường cần chờ thêm thời gian để đủ điều kiện phẫu thuật, đảm bảo tỷ lệ thành công. Tuy nhiên, tốt nhất là trước 6 tuổi để không ảnh hưởng đến tâm lý do phải tiểu ngồi như bé gái, dễ tự ti khi bị bạn bè trêu chọc.
Các bất thường đường tiểu như lỗ tiểu lệch thấp, ẩn tinh hoàn, tinh hoàn lạc chỗ, thoát vị bẹn… ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, tăng nguy cơ viêm nhiễm, ảnh hưởng đến chức năng sinh lý và sinh sản nếu không được điều trị. Nhiều trường hợp dẫn đến ung thư do tinh hoàn nằm trong môi trường có nhiệt độ cao (ổ bụng hoặc ống bẹn). Tiến sĩ Nguyễn Thế Trường gợi ý, cha mẹ nên đưa con thăm khám sớm nếu thấy các dấu hiệu bất thường về hình dạng, thường xuyên viêm nhiễm hay tiểu ngồi. Đặc biệt, quá trình điều trị cần chọn thời điểm thích hợp như dịp hè để trẻ có thời gian phục hồi sức khỏe, tâm lý, sẵn sàng trở lại trường vào năm học mới.
Vào lúc 20h ngày 23/5, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Bất thường đường tiểu ở bé trai, phát hiện sớm - điều trị hiệu quả". Chương trình nhằm cung cấp thông tin về bệnh, dấu hiệu nhận biết, phương pháp hiện đại giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả các dị tật bẩm sinh đường tiểu ở bé trai. Các chuyên gia của khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học tham gia gồm: TTƯT.TS.BS Nguyễn Thế Trường, Phó khoa; ThS.BS Tạ Ngọc Thạch và ThS.BS Phạm Quang Trung. Độc giả có thể gửi câu hỏi tại đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!