Không chỉ cây rừng, nhà cửa bị cuốn theo sóng biển mà nhiều diện tích trồng hoa màu của người dân cũng bị cuốn mất, khiến người dân hết sức lo lắng, đặc biệt mùa gió chướng đang bắt đầu.
Những căn nhà ở xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre vốn dĩ nằm xa biển cả mấy trăm mét… nhưng giờ chẳng còn ai có thể trụ lại được, thậm chí ngay cả trụ sở hợp tác xã cũng bị sóng đánh tơi tả. Một số hộ dân cố nán lại nhưng có lẽ họ cũng sẽ sớm phải chuyển đi, bởi một một con sóng lớn thì căn nhà khó có thể tổn tại được.
Ngôi nhà bị sóng đánh tơi tả
Sạt lở bờ biển đã khiến nhiều diện tích rừng bị chết. Không những vậy, do tình hình xâm thực quá nhanh nên người dân sống gần biển luôn trong tình trạng bất an. Nhiều gia đình phải liên tục di chuyển chỗ ở, không ổn định sản xuất, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Ông Khổng Minh Tặng, Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho biết: "Theo thống kê hàng năm, sóng biển xâm thực vào đất liền khoảng 100 - 150m, phá đi rất nhiều đất đai sản xuất của người dân trên địa bàn xã trong thời gian qua. Theo tính toán hiện nay, nếu không được đầu tư kịp thời thì từ nay đến cuối năm, sóng biển sẽ xóa sổ cồn ngoài này của xã Bảo Thuận".
Cũng theo ông Tặng, dù biết tình hình sạt lở gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Tuy nhiên do không đủ nguồn kinh phí nên công tác hỗ trợ di dời và khắc phục tình trạng sạt lở cũng gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế đó, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã đưa ra giải pháp sử dụng kè mềm và bước đầu đã có những thay đổi tích cực, tuy vậy để mở rộng mô hình này cần thi công phù hợp với con nước và cần có chế độ quan trắc định kỳ để điều chỉnh kịp thời những ảnh hưởng không tốt đến công trình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!