Bệnh nhân N.N.D. (nam, sinh năm 1966) - bệnh nhân thứ 6 được điều trị tại Khu Hồi sức cấp cứu, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy do bị ngộ độc Clostridium Botulinum sau khi ăn Pate Minh Chay.
Thông tin về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Sang cho biết: "Tình trạng bệnh nhân tiến triển khả quan. Sáng nay (28/9), bệnh nhân đã mở được hơn 1/2 mắt, há miệng được, sức cơ tay chân đã có thể cử động khoảng 2/5 và 3/5.
Khi sử dụng máy thở để hỗ trợ, bệnh nhân đã có những đáp ứng. Lãnh đạo khoa chỉ đạo, có những hướng dẫn vật lý trị liệu tích cực 2 lần/ngày và bồi dưỡng chất dinh dưỡng để sớm cai máy thở cho bệnh nhân. Các vấn đề nhiễm trùng phổi cũng như các săn sóc khác đang được theo dõi và tiến hành nghiêm ngặt.
Tình trạng nhiễm trùng đã cải thiện, tích cực. Chúng tôi hy vọng đây là trường hợp có nhiều cải thiện ngoạn mục trong thời gian sắp tới, nhanh chóng hồi phục sức cơ cũng như nhanh chóng trở lại hoạt động sinh hoạt bình thường".
Các bác sĩ cho biết, trong 7 bệnh nhân ngộ độc Botulinum mà Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận điều trị đến thời điểm này, chưa có bệnh nhân nào cai được máy thở và việc hồi phục khá khó khăn.
Cùng với việc khó hồi phục sức cơ, việc thở máy kéo dài khiến các bệnh nhân sẽ phải đối diện nhiều nguy cơ biến chứng như tổn thương phổi, tràn khí màng phổi, xẹp phổi, ảnh hưởng tim mạch, tiêu hóa.
Theo các chuyên gia, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố botulinum do các chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra. Bệnh cảnh chính là liệt ngoại biên đối xứng hai bên kiểu lan xuống, liệt toàn bộ các cơ với các mức độ khác nhau, người bệnh vẫn tỉnh táo, không có rối loạn cảm giác.
Ngộ độc nặng dẫn tới liệt cơ hô hấp, suy hô hấp có thể tử vong. Liệt nặng nề kéo dài dẫn tới nhiều biến chứng. Ngộ độc xảy ra không thường xuyên, có thể thành vụ với nhiều người bị ngộ độc. Có các trường hợp ngộ độc riêng lẻ, không rõ yếu tố dịch tễ, diễn biến nhanh, không thể khai thác bệnh cảnh đặc trưng, dẫn tới dễ bỏ sót hoặc nhầm với nhiều bệnh khác.
Các nhân viên y tế cần nâng cảnh giác khai thác bệnh sử, đưa vào chẩn đoán phân biệt đặc biệt với các tình trạng liệt ngoại biên, qua đó giúp chẩn đoán và điều trị sớm, dùng thuốc giải độc sớm nhất giúp cải thiện tình trạng ngộ độc.
Để phòng, chống ngộ độc do Botulinum, người dân cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận. Người dân cần thận trọng với các thực phẩm đóng kín như trên nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường - ví dụ sữa chua nhưng không còn vị chua bình thường. Người dân không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá (chỉ có nhiệt độ đông đá mới làm vi khuẩn ngừng phát triển và không sinh độc tố).
Bên cạnh đó, cần ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Lưu ý nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum nếu không may có trong thực phẩm. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!