Môi trường kém vệ sinh mùa mưa bão khiến nhiều bệnh dễ lây lan. Nguồn: East Asian forum
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tình trạng El Nino có thể kéo dài trong năm 2023 - 2024, làm gia tăng sự lây lan các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, viêm não, viêm màng não... Tại Việt Nam, các chuyên gia nhận định khí hậu mưa nhiều, nhiệt độ ẩm thấp vào các tháng cuối năm, người dân cũng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm về hô hấp và tiêu hóa hơn.
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, để hạn chế dịch bệnh lây lan trong tình hình mưa bão, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa như đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Ngoài ra cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã, hạn chế tiếp xúc với người bệnh và tiêm chủng đầy đủ. Người dân có thể chủ động các phòng ngừa các bệnh đã có vaccine dưới đây:
Bệnh lây qua đường hô hấp
Khí hậu chuyển mùa, từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng là điều kiện lý tưởng để cúm lây lan. Cúm dễ dàng lây qua giọt bắn, nước mũi và đờm của người bệnh. Cúm đặc biệt nguy hiểm với trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và người có hệ miễn dịch suy yếu. Cúm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản, viêm cơ tim, cơ giật nếu không điều trị kịp thời. Ở người có bệnh nền, cúm có thể làm tăng nặng bệnh đang mắc và gây đồng nhiễm với các tác nhân gây bệnh khác.
Phế cầu là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và viêm tai giữa, viêm phổi ở người lớn. Phế cầu có thể trú ở vùng hầu họng của người và không gây bệnh. Đến khi cơ thể suy yếu hoặc điều kiện thuận lợi như mùa mưa bão, phế cầu xâm lấn vào các cơ quan và gây bệnh. Phế cầu còn đặc trưng bởi tính kháng kháng sinh, gây khó khăn cho quá trình điều trị và khả năng đồng nhiều với nhiều vi sinh gây bệnh khác.
Não mô cầu cũng lây qua đường hô hấp và có khả năng diễn tiến bệnh nhanh. Viêm màng não do não mô cầu có thể gây tử vong trong 24 giờ sau khi nhiễm bệnh. Trong giai đoạn bệnh cấp tính, não mô cầu có thể khiến người bệnh suy hô hấp, suy tuần hoàn do tình trạng giảm oxy máu, giảm thể tích nội mạch do đông máu nội mạch rải rác hoặc rơi vào tình trạng thoát vị não.
Bệnh do muỗi truyền
Thời tiết mưa nhiều, tạo thuận lợi cho muỗi trung gian truyền bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện chỉ mới có bệnh viêm não Nhật Bản là có vaccine phòng ngừa. Người chưa có miễn dịch với virus đều có thể mắc bệnh, phổ biến ở trẻ dưới 15 tuổi, chiếm hơn 90% số ca mắc, đa số là trẻ 2 đến 8 tuổi. Khoảng 30 đến 50% người bệnh có di chứng thần kinh và tâm thần vĩnh viễn như: liệt nửa người, mất ngôn ngữ, động kinh, điếc, rối loạn tâm thần, sống thực vật...
Tại Việt Nam, ngoài vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, một số vaccine được tiêm chủng dịch vụ như tại Hệ thống tiêm chủng VNVC bao gồm Jevax (Việt Nam), Imojev (Pháp) và JEEV (Ấn Độ).
Vaccine Jevax dành cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn, trẻ cần tiêm 3 mũi và nhắc lại mỗi 3 năm một lần. Vaccine Imojev tiêm 2 mũi cho trẻ em từ 9 tháng tuổi đến dưới 18 tuổi, người từ 18 tuổi trở lên chỉ cần tiêm 1 mũi. Vaccine JEEV tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi đến người lớn 49 tuổi, tùy độ tuổi mà có lịch tiêm chủng khác nhau.
Bệnh lây qua đường tiêu hóa
Tả là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, do uống phải nước, ăn phải động vật có vỏ hoặc các thực phẩm khác bị ô nhiễm. Người bệnh tả có thể lây bệnh cho người khác kể từ khi không có triệu chứng rõ rệt. Vùng ngập lụt, xử trí không đúng cách, bệnh tả dễ bùng phát thành dịch. Nếu không được điều trị kịp thời, tả có thể dẫn đến các biến chứng như sốc mất nước, trụy tim mạch, suy thận, tử vong.
Thương hàn là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường tiêu hóa. Trong mùa mưa bão, ăn phải thực phẩm, uống nước bị nhiễm khuẩn, không được nấu chín là đường lây khiến thương hàn lan rộng trong cộng đồng. Bệnh có thể gây các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như sốt liên tục, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, bụng chướng, buồn nôn, tiêu chảy xen kẽ táo bón, phát ban đỏ, li bì, mê sảng. Khoảng 10-15% các trường hợp mắc bệnh có thể gặp phải các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột, viêm màng não.
Livestream "Cúm, Viêm phổi, Tả và các bệnh thường gặp vào mùa mưa" sẽ diễn ra vào 20 giờ tối thứ Năm 12/10.
Tại Việt Nam, cứ 2 trẻ nhập viện vì tiêu chảy cấp thì có 1 trường hợp là do virus Rota gây ra. Với khí hậu nhiệt đới, bệnh tiêu chảy cấp do Rota virus ở nước ta thường xảy ra quanh năm. Mùa mưa bão, nhập lụt ở nhiều nơi tạo điều kiện cho virus Rota lây nhanh qua đường truyền phổ biến phân - miệng. Rota có thể tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, gây tiêu chảy nặng, mất nước và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Bác sĩ Chính cho biết hiện VNVC có đầy đủ các loại vaccine cho trẻ em và người lớn như vaccine cúm thế hệ mới, vaccine phòng phế cầu gồm vaccine Synflorix (Bỉ) ngừa 10 chủng phế cầu tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi và vaccine Prevenar 13 (Mỹ) ngừa 13 chủng phế cầu, tiêm cho trẻ em từ 6 tuần tuổi và người lớn, vaccine phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván, vaccine phòng viêm màng não do não mô cầu, tả, thương hàn…
Khi đi tiêm chủng, người dân cần chọn trung tâm tiêm chủng uy tín, có kho lạnh bảo quản vaccine đạt chuẩn quốc tế GSP, đảm bảo chất lượng bảo quản vaccine an toàn, hiệu quả cao. Đồng thời, cơ sở tiêm chủng phải hực hành nghiêm ngặt quy trình tiêm chủng, bố trí phòng xử trí phản ứng sau tiêm rộng rãi và đội ngũ điều dưỡng, bác sĩ được đào tạo kỹ năng xử trí phản ứng sau tiêm bài bản.
Vào 20h thứ 5, ngày 12/10, Hệ thống tiêm chủng VNVC phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến: "Cúm, Viêm phổi, Ho gà và các bệnh nguy hiểm thường gặp vào mùa mưa".
Buổi tư vấn có sự tham gia của các chuyên gia y tế đầu ngành truyền nhiễm, hô hấp và tiêm chủng: TS.BS Lê Khắc Bảo, Phó khoa hô hấp, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định; BS.CKII Mã Thanh Phong, Bác sĩ chuyên sâu Hô hấp, Khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh TP HCM; BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC.
Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi tại đây.
Chương trình được phát sóng trực tiếp trên ứng dụng VTVGo của Đài Truyền hình Việt Nam và các fanpage: Trung tâm Tin tức VTV24, VTV8 - Tin nóng miền Trung, VNVC - Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn và nhiều kênh thông tấn báo chí khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!