Bí quyết giúp trẻ khỏe trong mùa cúm cuối năm

P.V-Thứ sáu, ngày 10/11/2023 08:00 GMT+7

Thời tiết giao mùa, trẻ dễ mắc cúm hơn so với thời điểm khác. Nguồn: GH

VTV.vn - Cúm lây qua đường hô hấp, gây sốt, ho, tấn công phổi của trẻ, cần tiêm vaccine để bảo vệ, nhất là khi trẻ thường xuyên đến trường, tiếp xúc nhiều người.

Tháng 11 được coi là giai đoạn chuyển đổi thời tiết ở hầu hết các vùng miền trong cả nước. Thời tiết thay đổi là điều kiện để vi khuẩn, virus gia tăng đặc tính lây nhiễm, khiến nhiều trẻ em dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là cúm mùa.

Theo công bố trên tạp chí y khoa The Lancet năm 2022, tỷ lệ mắc cúm tại Việt Nam là hơn 3.700/100.000 dân, cao gấp 5 lần trung bình thế giới. Cúm còn có thể gây biến chứng viêm tai giữa, viêm cơ tim gây nguy hiểm tính mạng, làm tình trạng nặng hơn với người có bệnh nền.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính hàng năm cúm mùa tấn công 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em, gây ra các mức độ bệnh tật, nhập viện và tử vong. Bệnh nặng và tử vong xảy ra chủ yếu ở những nhóm người có nguy cơ cao như trẻ em, người già trên 65 tuổi và người mắc bệnh mãn tính…

Ở trẻ em, cúm là mối đe dọa lớn nhất với nhóm trẻ sơ sinh bởi hệ miễn dịch non nớt, chưa được tiếp xúc nhiều với môi trường và các loại virus, vi khuẩn khác. Trẻ em một khi mắc cúm bệnh sẽ nặng, đặc biệt là trẻ sơ sinh chưa đến tuổi tiêm vaccine cúm.

Trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân mắc cúm thường dễ gây biến chứng xẹp phổi do phổi chưa trưởng thành và phát triển đầy đủ. Sức đề kháng của hệ miễn dịch nhất là ở tế bào tại chỗ như tế bào biểu mô, lông chuyển ở đường hô hấp chưa hoàn chỉnh, do đó việc tiêm vaccine phòng cúm ở trẻ sinh non là vô cùng quan trọng để bảo vệ phổi nhằm giảm nguy cơ biến chứng suy hô hấp sơ sinh.

Đối với trẻ lớn, trường học là nơi có thể lây lan bệnh cúm khó kiểm soát. Trẻ nhiễm virus cúm từ bạn bè, thầy cô, sau đó về lây cho ông bà, cha mẹ và mầm bệnh từ đó lây lan khắp nơi trong công sở, bệnh viện... hình thành một quần thể cúm ngày càng rộng hơn, nghiêm trọng hơn.

Cúm có thể diễn tiến cấp tính thành viêm phổi, suy hô hấp, hoặc khởi phát các bệnh tiềm tàng như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... Khi diễn tiến ác tính, cúm gây viêm não, viêm cơ tim, suy đa cơ quan, dẫn đến những gánh nặng bệnh tật lâu dài như viêm khớp, các bệnh lý tim mạch, khiến trẻ trở nên khờ khạo, kém phát triển về thần kinh và vận động.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính qua 10 mùa cúm từ năm 2010 đến 2020, có từ 7.000-26.000 trẻ dưới 5 tuổi nhiễm cúm nhập viện. Riêng năm xảy ra đại dịch cúm 2009-2010, có 358 số ca trẻ em tử vong có liên quan đến nhiễm cúm, trong đó khoảng 80% trẻ không tiêm phòng vaccine cúm.

Bí quyết giúp trẻ khỏe trong mùa cúm cuối năm - Ảnh 1.

Chương trình Tư vấn trực tuyến "Cúm & các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ lúc giao mùa" do Hệ thống tiêm chủng VNVC và BVĐK Tâm Anh phối hợp Báo điện tử VTV tổ chức.

Tiêm phòng vaccine cúm mùa định kỳ hàng năm là biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả và mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn. Tiêm vaccine có thể hạn chế nguy cơ trẻ nghỉ học do cúm mùa, phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm cho người thân, nhất là người có nguy cơ cao mắc cúm mùa.

Theo Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, vaccine cúm được khuyến cáo tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi, đặc biệt là trẻ có nguy cơ cao như: sinh non, trẻ dưới 5 tuổi, trẻ có các bệnh lý nền… Vaccine cúm giảm nguy cơ nhập viện ICU (chăm sóc đặc biệt) đến 74% ở trẻ em, giảm nguy cơ tử vong hơn 31% so với những trẻ không tiêm vaccine cúm, giảm chi phí y tế, đảm bảo sức khỏe và nền tảng tương lai cho trẻ.

Các phản ứng phụ sau khi tiêm thường ở mức độ nhẹ đến trung bình như sốt, đau tại chỗ tiêm, đau cơ (hội chứng giả cúm)... và sẽ tự khỏi sau 1-2 ngày, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện Hệ thống tiêm chủng VNVC hiện có đầy đủ vaccine cúm Tứ giá thế hệ mới Vaxigrip Tetra (Pháp)/Influvac Tetra (Hà Lan), phòng 4 chủng cúm phổ biến là A/H1N1, A/H3N2, B/Victoria, B/Yamagata. Đặc biệt, phụ huynh có thể tiêm cùng lúc vaccine cúm mùa với các vaccine khác để phòng bệnh sớm nhất cho trẻ.

Ngoài ra, vì cúm lây truyền qua đường hô hấp và tiếp xúc, do đó phụ huynh cần lưu ý cho trẻ thực hiện các biện pháp phòng bệnh là: giữ khoảng cách xa với những người có triệu chứng cúm; thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn, trước khi chạm vào mắt, mũi, miệng; sử dụng khăn giấy khi ho và hắt hơi, vứt khăn giấy vào thùng rác đúng quy định; làm sạch các bề mặt, dụng cụ thường xuyên chạm vào; nếu trẻ có các triệu chứng của bệnh cúm nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, tuân thủ cách ly và điều trị…

Để các phụ huynh hiểu rõ hơn về bệnh cúm và các bệnh truyền nhiễm ở trẻ trong thời điểm giao mùa cũng như cách phòng bệnh, 20h thứ Sáu, ngày 10/11, Hệ thống tiêm chủng VNVC và BVĐK Tâm Anh phối hợp Báo điện tử VTV tổ chức Tư vấn trực tuyến: "Cúm & các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ lúc giao mùa" với sự tham gia của các chuyên gia:

1. BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, Phó khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh;

2. BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang, Bác sĩ khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh;

3. BS Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa vùng, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC.

Độc giả có thể đặt câu hỏi cho các chuyên gia trong chương trình tại đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước