Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị công bố hết dịch COVID-19

H.T-Thứ hai, ngày 15/06/2020 11:50 GMT+7

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân Phát biểu tại hội trường Quốc hội (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt đủ 3 tiêu chí để công bố hết dịch và cần có lộ trình để mở cửa với 17 đối tác kinh tế quan trọng nhất.

Phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 15/6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nói về vấn đề công bố hết dịch và mở cửa nền kinh tế sau khi Việt Nam đã cơ bản không chế dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Việt Nam cần công bố hết dịch ở trong nước. Tổng số người nhiễm ở Việt Nam chưa bao giờ đạt 1.000 người. Đến nay là 332 người, thấp hơn nhiều mốc 1.000 so với lúc thế giới công bố dịch.

Việt Nam cũng đạt đủ 3 tiêu chí để công bố hết dịch:

- Tỉ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 5 người (hiện ta chỉ có 3,1 người nhiễm/1 triệu dân).

- Tỉ lệ người đang điều trị không quá 1 người trên 1 triệu dân (hiện chỉ có 0,2 người).

- Không có người tử vong.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị công bố hết dịch COVID-19 - Ảnh 1.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị công bố hết dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Hôm nay, tròn 2 tháng Việt Nam không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng (Đồ họa: Bộ Y tế)

Cũng trong phần phát biểu trước Quốc hội, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá do có chính sách chỉ đạo chung sớm, kịp thời, chúng ta đã kiểm soát rất tốt đại dịch. Việc cần làm bây giờ là giám sát và lập trình mở cửa với 17 nền kinh tế có quan hệ đối tác quan trọng nhất.

"17 nước này quyết định 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch đến Việt Nam nên đề nghị cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nước này theo lộ trình, thỏa thuận 2 bên" - Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết.

Theo đó, từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, 10/17 nền kinh tế này sẽ không còn dịch ở tiêu chí dưới 10.000 người đang điều trị trên 1 triệu dân, trong đó có: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc), Đức, Australia… Việt Nam cần phân công cụ thể lập lộ trình mở cửa với 10 nền kinh tế này. 7 nước còn lại chưa đến độ an toàn như Ấn Độ, Mỹ, Singapore… thì phải theo dõi để khi họ có điều kiện thì thiết lập ngay.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng đề cập tới một số dự báo như đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay nhiều khả năng giảm 30% so với năm ngoái, thương mại quốc tế giảm 18% và du lịch giảm 50%. Do vậy, cần có lộ trình phù hợp để ứng phó.

Theo Quyết định 02/2016/QĐ-TTg về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, ngoài việc đáp ứng điều kiện quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 40 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, việc công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm phải đáp ứng điều kiện: Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định cho từng bệnh.

Ngày 26/02/2020, Thủ tướng ban hành Quyết định 07/2020/QĐ-TTg sửa đổi một số Điều của Quyết định 02/2016/QĐ-TTg về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.

Theo đó, bổ sung thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới đối với bệnh COVID-19 (trước đây gọi là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra) tại Phục lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/1/2016.

Cụ thể, bệnh COVID-19 thuộc nhóm A, thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 28 ngày (thời gian được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế).

Việc bổ sung COVID-19 vào danh mục cũng như quy định thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới để có đủ cơ sở pháp lý làm căn cứ công bố hết dịch đối với dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước