Thời gian qua, trên địa bàn nhiều quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh, người dân và các đoàn thể đã triển khai nhiều mô hình nhằm cải thiện tình trạng môi trường trong dân cư. Nhờ đó, nhiều bãi rác, đầm lầy đã trở thành vườn rau, vườn hoa và công viên tại khu phố.
Công viên nằm sâu trong con hẻm 2695 đường Phạm Thế Hiển, Phường 7, Quận 8, TP Hồ Chí Minh, cách đây hơn 1 năm, khu vực này vốn là nơi tập kết rác thải, hôi hám…, hiện đã trở thành điểm đến lý tưởng của người dân vào mỗi buổi sáng và chiều tối.
Công viên tại hẻm 2695 Phạm Thế Hiển, Phường 7, Quận 8, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: NLĐ)
Để nâng cao chất lượng môi trường cho người dân TP Hồ Chí Minh, việc tổng vệ sinh các khu vực phát sinh rác trên địa bàn được các quận, huyện và TP Thủ Đức luôn được quan tâm. Tuy nhiên không thể dọn mãi những điểm rác lưu cữu, vì vậy mô hình "Biến bãi rác thành công viên" được đưa vào áp dụng và mang lại giá trị kép, vừa nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân, vừa tạo ra hiệu quả bền vững trong quá trình xóa các điểm nóng rác thải lưu cữu.
Việc biến những vùng đất trũng, đầm lầy, bãi rác thành công viên, đem lại lợi ích cho cộng đồng đã trở thành phong trào lan tỏa khắp TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, từ khi triển khai thực hiện mô hình biến bãi rác thành công viên, thành phố đã giải tỏa được trên 95% điểm ô nhiễm về rác thải; chuyển hóa 243 điểm thành công viên, vườn hoa - nơi không chỉ là chỗ dạo mát, tập thể dục, mà còn là nơi gắn kết cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!