Biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong do cúm A

Minh Đức-Thứ hai, ngày 08/08/2022 16:21 GMT+7

VTV.vn - Các ca bệnh diễn biến nặng có thể có triệu chứng của viêm phổi, bệnh nhân cần được chẩn đoán phân biệt với COVID-19 do triệu chứng lâm sàng của 2 bệnh rất giống nhau.

Khác với cảm, cúm A có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Cúm có xu hướng thành dịch trong thời gian gần đây, bất cứ ai từ trẻ nhỏ đến người lớn đều không thể chủ quan. Đã có bệnh nhân biến chứng nặng và tử vong sau khi mắc cúm A.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết bệnh viện đang điều trị một ca bệnh cúm A nặng, nguy kịch. Đây là nữ bệnh nhân 39 tuổi (Thanh Hoá) có tiền sử suy tủy 2 năm nay. Do chuyển biến nặng, biến chứng viêm phổi suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), bệnh nhân được chuyển lên khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương). Tại đây, bệnh nhân phải đặt ECMO ngày 3/8 rồi chuyển lên khoa Hồi sức tích cực.

Qua một ngày đặt ECMO, bệnh nhân vẫn tiên lượng nặng. Theo Bác sĩ Phạm Văn Phúc, nếu không đặt ECMO bệnh nhân sẽ tử vong, nếu đặt thì hy vọng sống là 50-50. Bệnh nhân có bệnh nền suy tủy nên suy giảm miễn dịch, khi mắc cúm A có nguy cơ chuyển nặng.

Biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong do cúm A - Ảnh 1.

Đối với người cao tuổi, người có bệnh nền tim mạch, hô hấp, trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh có tỉ lệ diễn biến nặng và tử vong cao hơn.

Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ghi nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám liên quan đến cúm, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em. Về cơ bản đều là những trường hợp mắc cúm thông thường, chưa ghi nhận chủng độc lực cao.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân chuyển nặng vì cúm không nhiều. Tuy nhiên, bệnh viện cũng tiếp nhận một số ca nặng, cần thở máy, thậm chí tử vong, đa phần đều có bệnh nền. Trước đó bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân 19 tuổi mắc cúm A, có bội nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng, sau đó không qua khỏi.

Đáng chú ý, các ca bệnh diễn biến nặng có thể gặp triệu chứng của viêm phổi, bệnh nhân cần được chẩn đoán phân biệt với COVID-19 do triệu chứng lâm sàng của 2 bệnh rất giống nhau.

Các bệnh nhân trẻ tuổi mắc cúm A thường có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, với người cao tuổi, người có bệnh nền tim mạch, hô hấp, trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh có tỉ lệ diễn biến nặng và tử vong cao hơn. Bác sĩ Phúc thông tin thêm khi bị mắc cúm, tỉ lệ bị viêm phổi do cúm ở người lớn có thể lên tới 4-8%. Tỉ lệ tử vong khoảng 5% số ca viêm phổi, chủ yếu là người cao tuổi.

Để phòng tránh cúm A, bác sĩ Phúc khuyến cáo, những người có yếu tố nguy cơ cần tiêm phòng cúm hằng năm. Đối với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ trở nặng khi bị nhiễm cúm A thì không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế khám

Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết bệnh cúm mùa đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng như: sốt, ho, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, đau họng và chảy nước mũi.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mắc cúm đều có đầy đủ các triệu chứng của bệnh, ước tính có khoảng 75% các ca nhiễm cúm không có triệu chứng điển hình. Tuy nhiên, bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong đặc biệt ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh như: người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính (như bệnh mạn tính ở tim, phổi, thận, gan hoặc máu), phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi và người có tình trạng ức chế miễn dịch (như HIV/AIDS, đang điều trị hóa chất hoặc Corticosteroid).

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước