Biến tàu chở khách du lịch thành tàu chở hàng hóa - nhu yếu phẩm

Trần Hùng-Thứ hai, ngày 19/07/2021 10:54 GMT+7

Tàu cao tốc được sử dụng để vận chuyển rau củ quả về TP Hồ Chí Minh một cách nhanh nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời hỗ trợ vận tải đường bộ, góp phần kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

VTV.vn - Rau củ quả được vận chuyển về TP Hồ Chí Minh bằng tàu cao tốc là phương án nhanh nhất để đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Ngày 19/7, phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường thủy ("luồng xanh" đường thủy) trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chính thức được đưa vào thực hiện. Đây là phương án sử dụng tàu cao tốc để vận chuyển rau củ quả về TP Hồ Chí Minh một cách nhanh nhất. Điều này tạo điều kiện đưa thực phẩm về thành phố đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời hỗ trợ vận tải đường bộ, góp phần kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Phương án vận chuyển sẽ là tàu cao tốc di chuyển bằng đường thủy vận chuyển hàng hóa thiết yếu nói trên đi từ các cảng, bến thủy nội địa tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long đến bến Bạch Đằng - TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Điều đáng nói, các phương tiện vận chuyển đều là các tàu du lịch 5 sao trị giá hàng chục tỉ đồng mỗi chiếc.

Trước đó, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 chiều 16/7, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã cho biết nguồn hàng đang thiếu để cung ứng cho người dân TP Hồ Chí Minh lúc này là rau củ quả. Nguyên nhân được lý giải vì dịch bệnh ở các tỉnh vệ tinh xung quanh thành phố và các tỉnh miền Tây đang có diễn biến phức tạp, nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16 nên việc thu mua và vận chuyển hàng hóa khó khăn hơn.

Thực vậy, trong những ngày gần đây, trước tình trạng các chợ tạm, chợ truyền thống tạm thời bị đóng cửa, việc người dân gặp khó khăn khi mua rau củ quả và nhiều mặt hàng thiết yếu khác là khá phổ biến. Người dân chỉ có thể xếp hàng để mua sắm tại các siêu thị lớn. Theo nhiều người việc này rất mất thời gian và nhiều hôm siêu thị không đủ phiếu phát cho khách hàng nên không thể mua được hàng hóa.

Biến tàu chở khách du lịch thành tàu chở hàng hóa - nhu yếu phẩm - Ảnh 1.
Biến tàu chở khách du lịch thành tàu chở hàng hóa - nhu yếu phẩm - Ảnh 2.

5 con tàu du lịch 5 sao với sức chứa hàng trăm hành khách đã tháo dỡ toàn bộ ghế ngồi dành cho khách để dành khoảng trống chuyên chở hàng hóa, nhu yếu phẩm. Máy lạnh trên tàu sẽ được sử dụng để bảo quản rau củ, giúp thực phẩm đảm bảo độ tươi mới tối đa khi vận chuyển về tới TP Hồ Chí Minh.

Chị T.P. (thường trú TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Là một người nội trợ, tôi cảm thấy rất vất vả khi cứ phải xếp hàng để mua được ít rau quả cho gia đình. Nơi đông đúc như thế này cũng rất nguy hiểm vì quá đông người tập trung, trái ngược với nguyên tắc giãn cách cộng đồng. Tôi rất mong thành phố sớm có biện pháp để tăng nguồn cung cấp rau củ và các mặt hàng thiết yếu khác để đáp ứng nhu cầu cần thiết cũng như ổn định sinh hoạt cho người dân, tránh xảy ra hỗn loạn nếu kéo dài".

Trước tình hình đó, ngày 18/7, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã có Công văn hỏa tốc số 7691/SGTVT-QLĐT đề nghị triển khai phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng tàu cao tốc đường thủy ("luồng xanh" đường thủy). Đề án này được Công ty TNHH Greenlines DP đề xuất với chính quyền thành phố nhằm tham gia hỗ trợ vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho TP Hồ Chí Minh bằng đường thủy. Theo đó, đối tượng vận chuyển sẽ là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm: gạo, mì gói, bún khô; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; rau củ quả; thủy hải sản… và trang thiết bị y tế, nguyên vật liệu phục vụ phòng chống dịch.

Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty GreenlinesDP chia sẻ: "Trước tình hình dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh phức tạp, có chiều hướng lan rộng và khó kiểm soát, là một người dân trực tiếp sống trong vùng dịch, tôi sâu sắc cảm nhận được những khó khăn của người dân. Do đó, tôi muốn góp một chút sức mình để cải thiện tình hình. Trước tình trạng vận tải đường bộ gặp nhiều khó khăn, việc vận chuyển các nhu yếu phẩm đến người dân cũng gặp nhiều trở ngại, GreenlinesDP đã đề xuất với chính quyền thành phố sử dụng 5 phương tiện vận tải là tàu cao tốc với sức chở trung bình khoảng 20 tấn hàng hóa/mỗi chuyến tàu để tham gia vận chuyển hàng hóa với chi phí thỏa thuận phù hợp, đảm bảo bình ổn giá".

Biến tàu chở khách du lịch thành tàu chở hàng hóa - nhu yếu phẩm - Ảnh 3.

Ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Công ty GreenlinesDP

Công ty TNHH GreenlinesDP được hình thành và phát triển từ nguồn vốn đầu tư của Công ty DP Consulting, chuyên kinh doanh về lĩnh vực vận tải hành khách bằng các loại tàu cao tốc hiện đại hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa, ven biển và các tuyến bờ ra đảo. Để tham gia vào hoạt động vận tải, 5 con tàu du lịch 5 sao với sức chứa hàng trăm hành khách đã tháo dỡ toàn bộ ghế ngồi dành cho khách để dành khoảng trống chuyên chở hàng hóa, nhu yếu phẩm. Đặc biệt, máy lạnh trên tàu sẽ được sử dụng để bảo quản rau củ, giúp thực phẩm đảm bảo độ tươi mới tối đa khi vận chuyển về tới TP Hồ Chí Minh.

Theo công văn của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, các phương tiện tham gia vận chuyển phải đảm bảo công dụng chở hàng hóa và không chở quá khả năng khai thác theo quy định của cơ quan đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Thuyền trưởng, thuyền viên phải đảm bảo số lượng theo đúng định biên an toàn tối thiểu; đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 (ít nhất 1 mũi) và có xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định của Bộ Y tế; phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và chính quyền địa phương (lưu ý đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và sát khuẩn tay thường xuyên).

Các phương tiện khi vào, rời cảng, bến thủy nội địa, chỉ cử một thuyền viên lên bờ làm thủ tục cảng vụ (thuyền viên này phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính theo quy định của Bộ Y tế), các thuyền viên khác không được lên bờ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để khai báo và thực hiện các thủ tục cảng vụ online tại các cảng, bến thủy nội địa, hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Đồng thời, các phương tiện không bố trí lực lượng bốc xếp mà việc bốc xếp hàng hóa tại các bến thủy nội địa do các đơn vị cung ứng hàng hóa tại địa phương chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, trong suốt quá trình di chuyển của phương tiện từ các cảng, bến thủy nội địa của các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long đi thẳng về bến Bạch Đằng - TP Hồ Chí Minh, phương tiện thủy không được dừng dọc đường. Sau mỗi chuyến vận chuyển và hàng hóa được bốc dỡ xong, phải thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ phương tiện trước khi khởi hành chuyến mới.

Anh D.T (người dân sống tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Cá nhân tôi cho rằng phương thức vận chuyển bằng đường thủy này là hết sức nhanh nhạy, phù hợp với tình hình hiện tại. Không chỉ giảm áp lực cho hệ thống vận tải đường bộ mà các nhu yếu phẩm sẽ nhanh chóng tới được tận tay người dân. Trong thời buổi dịch bệnh như thế này, việc các doanh nghiệp chung tay cùng thành phố hướng tới người dân là rất đáng hoan nghênh".

Triển khai thêm 'luồng xanh' đường thủy để vận chuyển hàng hóa thiết yếu Triển khai thêm "luồng xanh" đường thủy để vận chuyển hàng hóa thiết yếu Tạo “luồng xanh”, đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm về TP Hồ Chí Minh Tạo “luồng xanh”, đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm về TP Hồ Chí Minh TP Hồ Chí Minh kiểm tra cung ứng hàng hóa tại các siêu thị TP Hồ Chí Minh kiểm tra cung ứng hàng hóa tại các siêu thị

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước