Chiến tranh kết thúc đã để lại khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Trong đó khoảng 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam, nhiều người thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư vẫn phải chịu di chứng và hậu quả nặng nề của chất độc da cam/dioxin.
Những năm qua, phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, nhiều cựu chiến binh sau khi xuất ngũ về địa phương đã dành những năm tháng còn lại của mình để hỗ trợ những đồng đội, cùng các con và cháu người lính nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt qua những nỗi đau và thiệt thòi trong cuộc sống.
Trở về từ chiến trường Quảng Trị, người lính Nguyễn Kim Định không biết mình bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Chỉ đến khi người con gái đầu lòng bị khuyết tật, ông mới thấu hiểu nỗi đau da cam sau chiến tranh.
Tuy nhiên, với bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, không lùi bước trước mưa bom bão đạn, khi trở về ông cũng quyết không bi quan, không đầu hàng số phận.
Hiện nay, cuộc sống của nhiều nạn nhân chất độc da cam vẫn còn khó khăn. (Ảnh: QĐND)
"Mình may mắn về là hạnh phúc lắm rồi và hơn các liệt sĩ. Mình cũng đã tự tay chôn nhiều liệt sĩ, khi nghĩ đến con, mình vẫn thấy hạnh phúc hơn các đồng chí đó", ông Nguyễn Kim Định, xã Cộng Hòa, Nam Sách, Hải Dương, chia sẻ.
Từ chiếc máy may đầu tiên, ông Định dạy con gái, chị Chanh tập may. Những đồng chí, đồng đội của ông đã giúp kết nối khách hàng, đồng thời làm thủ tục, tìm đầu ra để con gái ông làm chủ xưởng may.
"Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, một miếng khi đói bằng một gói khi no, chúng tôi vẫn tiếp tục lan tỏa những tấm lòng vàng đến với các nạn nhân để xoa dịu nỗi đau da cam", Ông Vũ Xuân Thu, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Hải Dương, cho biết.
Giúp đỡ việc làm, xây nhà tình nghĩa, khám chữa bệnh, tẩy độc, xây trung tâm bảo trợ xã hội…, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nạn nhân da cam/dioxin.
Bên cạnh đó, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, trong đó phần lớn là các cựu chiến binh suốt những năm qua đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ những người lính, con và cháu người lính bị khuyết tật do nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Là thanh niên xung phong có hoàn cảnh neo đơn, bản thân lại đau ốm do nhiễm chất độc da cam/dioxin, nhưng bà Thu (xã Bình Minh, huyện Bình Giang, Hải Dương) chưa bao giờ cô đơn. Năm ngoái, bà được nhận căn nhà tình nghĩa nhờ sự vận động của đồng đội và các nhà hảo tâm.
Dù cuộc sống còn những khó khăn, nhưng tình đồng chí đồng đội của những người lính Bộ đội Cụ Hồ thương yêu nhau như anh em ruột thịt vẫn sâu đậm qua năm tháng.
Hiện nay, cuộc sống của nhiều nạn nhân chất độc da cam vẫn còn khó khăn. Nhiều người mẹ, người vợ của nạn nhân chất độc da cam vẫn âm thầm, lặng lẽ chăm sóc chồng, con, thậm chí là cháu bị khuyết tật do chất độc hóa học này.
Vì vậy, những hành động "chung tay xoa dịu nỗi đau da cam" như của chính các cựu chiến binh, các chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ, đã giúp các nạn nhân có thêm niềm tin, vơi bớt khó khăn, có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
Tự hào người lính “Bộ đội Cụ Hồ” VTV.vn - Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, lan tỏa hình ảnh đẹp về những người lính, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ từ lâu đã là phong trào được lan tỏa trong toàn quân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!