Bộ NN&PTNT khuyến khích các địa phương lập đội bắt chó thả rông

Minh Đức-Thứ hai, ngày 01/08/2022 17:35 GMT+7

VTV.vn - Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ cũng chỉ đạo các tỉnh, thành phố khác làm theo mô hình của TP.HCM và Hà Nội lập đội bắt chó thả rông để thực thi pháp luật nghiêm túc.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong văn bản quy phạm pháp luật của ngành thú y, chăn nuôi về nuôi chó đều quy định rất rõ là khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm cho chó, xích giữ chó và có người dắt.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây có những vụ chó cắn chết người. Do đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc quy định về nuôi chó.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin, ngoài TP.HCM, Hà Nội hiện có những đội bắt chó. Bộ cũng chỉ đạo các tỉnh, thành phố khác làm theo mô hình của TP.HCM và Hà Nội để thực thi pháp luật nghiêm túc. Đồng thời xử lý nghiêm vi phạm hành chính theo nghị định của luật Thú y, luật Chăn nuôi để giảm tối thiểu nhất thiệt hại hoặc không xảy ra việc chó cắn chết người.

Ông Nguyễn Văn Long, quyền cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), cho biết Thông tư 07/2016 của Bộ NN&PTNT về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn, chủ nuôi chó, mèo (gọi chung là chủ vật nuôi) phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Chủ vật nuôi xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.

Trong chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030 đã quy trách nhiệm chủ nuôi chó "cam kết nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình. Nếu để chó, mèo thả rông cắn người thì phải chi trả những chi phí liên quan theo quy định".

Bộ NN&PTNT khuyến khích các địa phương lập đội bắt chó thả rông - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong 10 năm qua, Việt Nam đã chi 8.000 tỷ đồng cho phòng, chống bệnh dại, như vậy mỗi năm Việt Nam mất 800 tỷ đồng cho căn bệnh này.

Để quản lý dịch bệnh hiệu quả, các địa phương cần khôi phục, kiện toàn lại hệ thống thú y. Thời gian qua, do lực lượng thú y sát nhập vào các trung tâm dịch vụ nông nghiệp ở các địa phương nên đã có 6.000 bác sĩ thú y nghỉ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến việc giám sát, quản lý dịch bệnh.

Đầu năm 2022, Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình.

Hiện nay các văn bản quy định, chỉ đạo đã rất cụ thể. Vấn đề chính là công tác tổ chức triển khai thực hiện của các địa phương, nhất là tuyến cơ sở cần phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá những nội dung làm được, chưa làm được, đặc biệt là công tác quản lý đàn chó, công tác phòng, chống bệnh dại để có giải pháp khắc phục.

Về chế tài xử lý, xử phạt, ông Long cho biết theo quy định tại nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (Nghị định 90/2017) và Nghị định số 4/2020 của Chính phủ sửa đổi một số điều của nghị định 90/2017 thì chủ vật nuôi có chó cắn chết người do không đeo rọ mõm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính là 1 - 2 triệu đồng cho hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó.

Ngoài ra, do sự việc nghiêm trọng, chó cắn chết người, nên các cơ quan chức năng của địa phương có thể căn cứ quy định tại điều 603 - Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra (Bộ luật Dân sự) và điều 295 - Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người (Bộ luật Hình sự) để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước